Mùa giải xếp hạng đã trôi qua gần một nửa, và hiện tại thì mình biết có rất nhiều người chơi đang trải nghiệm cảm giác “kẹt rank” khi bất lực trong việc tiến xa hơn. Vậy điều gì đã cản bước bạn trong quá trình leo xếp hạng, và bạn thường hay mắc phải những sai lầm nào khi chơi? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Không biết mình sai…
“Sai lầm lớn nhất của con người là không biết mình đang làm sai” – một triết gia nào đó. À không, chắc là tôi tự nghĩ ra đấy…
Trong một hai ván đấu cụ thể, có thể việc đội thua không hề là lỗi của bạn, mà là lỗi của đồng đội. Chẳng ai có thể phủ nhận là đôi khi đồng đội của bạn tạ đến nỗi bạn không thể gánh được (nhất là khi bạn không dùng những vị tướng gánh đội đủ mạnh). Tuy nhiên, bạn sẽ không thể leo hạng nếu cả 200 trận liên tục bạn đều đổ lỗi cho đồng đội và tìm cách bào chữa cho những sai lầm bản thân…
Trên thực tế, ai cũng sẽ phải mắc những sai lầm cả, và những người biết sửa chữa, học hỏi từ những sai lầm ấy sẽ đánh giỏi hơn, trong khi những người chơi không quan tâm đến việc sửa lỗi sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Thay vì đổ lỗi cho người đi rừng không chịu gank, hãy học cách để kiểm soát thế lính để giúp người đi rừng có một vị trí gank thuận lợi hơn, hoặc cách để đi đường mà không cần được rừng trợ giúp thì tốt hơn. Ngay cả khi bạn đã chơi tốt và ít mắc sai lầm, bạn cũng sẽ phải tiếp tục tìm những cách chơi tối ưu hơn đến gánh đội, bởi người chơi giỏi hơn chưa chắc có xếp hạng cao, mà là những người có khả năng đưa cả đội đến chiến thắng tốt hơn.
Mình từng gặp một thanh niên cầm Soraka lấy Dư Chấn nhưng vẫn khăng khăng là hắn làm đúng…
Vì thế hãy ngưng đổ lỗi cho đồng đội ở mọi lúc mọi nơi, mà hãy quan tâm hơn vào việc cải thiện bản thân!
Leo rank khi đầu óc mệt mỏi
Bạn vừa chạy xong deadline? Vừa đi học về? Bạn vừa bị sếp mắng? Người yêu chia tay? Bạn muốn tìm đến game để giải tỏa? Thế thì Đấu Thường, ARAM hay Đấu Trường Chân Lý sẽ là một bến đỗ phù hợp cho bạn để giải trí hoặc gặm nhấm nỗi buồn. Cơ mà xếp hạng thì không như thế…
Xếp hạng là một chế độ chơi nghiêm túc, nơi đòi hỏi bạn phải thực sự tập trung và bình tĩnh, chứ hoàn toàn không phải là một chế độ chơi giải trí. Nếu bạn không đặt nặng việc leo xếp hạng thì không có gì để nói, nhưng nếu bạn leo xếp hạng nghiêm túc thì đây sẽ là một sai lầm khá lớn đấy! Một bộ não mệt mỏi sẽ khiến bạn chơi tệ đi rất nhiều, bao gồm tốc độ phản xạ, khả năng tập trung và độ chính xác khi đưa ra quyết định. Không những thế, thua xếp hạng cũng chỉ làm bạn mệt mỏi và bực dọc hơn nữa mà thôi!
Khi căng thẳng thì chơi mấy trò nhẹ nhàng như leo núi thế này cũng ổn nè…
“Chơi gì cũng được…”
Sai lầm lớn nhất của một người chơi khi leo xếp hạng là bấm vào cái nút “Tất Cả” trong mục chọn vai trò. Tôi cũng chả biết Riot sinh ra cái nút này để làm gì nữa kìa…
Việc chơi thuần thục một vị tướng, bao gồm cả việc chơi nhiều và chơi thường xuyên, là tốn rất nhiều thời gian. Thông thường, một người chơi bình thường chỉ có thể chơi ở mức thuần thục tối đa 4 vị tướng. Ngay cả những game thủ chuyên nghiệp tập luyện cả ngày lẫn đêm cũng chỉ có thể chơi thuần thục được không quá 10 vị tướng đâu. Việc cầm một vị tướng mà bạn hiểu rõ vào xếp hạng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, từ việc thông thạo tất cả những combo, tính được lượng sát thương mà vị tướng của mình có thể gây ra, cho đến việc hiểu rõ các kèo khắc chế để chọn hoặc tránh né khi cần thiết.
Thuần thục quá nhiều vị tướng đã khó, nhưng việc thuần thục tất cả các vai trò khác nhau thì còn khó hơn. Bạn gần như không thể nào nắm rõ từng kiến thức, từng cách chơi của từng vai trò trong trò chơi được cả. Do đó, bạn chỉ nên biết cách chơi ở nhiều nhất 3 vai trò là được (trong đó có Hỗ Trợ, bởi bạn sẽ rất thường xuyên bị “autofill” đấy!).
Dù gì cũng phải biết đi Hỗ Trợ nha, nói không với tranh lane!
Nếu được, hãy cứ chơi 1-2 vị tướng mà bạn yêu thích và chơi tốt nhất, bạn sẽ thấy mình leo xếp hạng nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều đấy!
Chết quá nhiều
Nếu theo dõi các trận đấu ở xếp hạng bậc cao, hoặc thi đấu chuyên nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng các cao thủ rất ít khi để bị mất mạng, và việc solo-kill cũng rất ít khi xảy ra. Họ luôn chơi một cách vô cùng cẩn thận và tận dụng những lợi thế nhỏ nhặt thay vì chỉ theo đuổi việc hạ gục đối thủ, và khi bị mất lợi thế thì họ cũng thủ rất chắc chứ không lao lên ăn thua đủ. Tuy không thể so sánh Đồng – Bạc – Vàng hơn với Thách Đấu hay chuyên nghiệp, nhưng việc hạn chế số lần chết sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc leo xếp hạng đấy.
Thứ nhất, hạn chế số lần lên bảng đếm số sẽ khiến… bạn có nhiều thời gian chơi game hơn. Bạn có thể giành thời gian đó để farm, tạo áp lực lên đối thủ thay vì ngồi đếm số. Thứ hai là lượng tài nguyên của đối phương cũng sẽ bị hạn chế phần nào. Và cuối cùng là việc hạn chế để chết khi không cần thiết là cũng là một phần của việc mắc ít lỗi hơn.
Tỉ lệ chết trung bình của Yasuo trong một trận đấu thuộc hàng cao nhất, vì sao ư? Vì hắn “được” chơi quá nhiều ở xếp hạng thấp đấy!
Một trong những điều cực kì đơn giản mà bạn có thể làm để hạn chế số lần lên bảng của bản thân đơn giản là… không tham mạng. Mình thấy có rất nhiều người chơi quyết ăn thua đủ và lấy mạng đối phương, bất chấp kết quả rằng họ chắc chắn sẽ nằm xuống sau đó, thậm chí đôi khi không ăn được mạng của đối thủ nữa. Luôn luôn cân nhắc mỗi khi quyết định đổi mạng, bởi không có nhiều trường hợp bạn sẽ lãi sau một pha đổi mạng. Nhìn chung, số mạng bạn chết sẽ đồng nghĩa với vàng cho đối phương, trong khi số mạng bạn có được sẽ đồng nghĩa với số vàng của bạn, và bạn sẽ chỉ có lợi nếu đối phương ít cần số tiền đó hơn bạn. (Thường là trong trường hợp chính bạn đang bị đè mà thôi)
“Vui thôi mà”
Một câu nói mà bạn sẽ gặp rất nhiều trong cả xếp hạng lẫn đấu thường. Đấu thường thì có thể chấp nhận phần nào vì kết quả của nó thực sự không ảnh hưởng gì quá nhiều, nhưng xếp hạng thì hoàn toàn ngược lại…
Trên thực tế thì xếp hạng là một chế độ mà mọi người sẽ “chơi để thắng”, “lấy chiến thắng làm niềm vui”, nên đây thực sự là một câu nói vô nghĩa khi bạn đang chơi ở trong một nơi có tính cạnh tranh cao như xếp hạng. Mang tâm lý “vui thôi mà” vào xếp hạng là một điều rất sai lầm và nhiều hơn là xấu tính. Điều này không những khiến những người chơi đang try-hard để leo hạng rất ghét bạn, mà cũng khiến cho chính những pha thi đấu của bạn không có được sự nghiêm túc và chỉnh chu cần thiết.
Chơi để vui, cơ mà thắng thì vui hơn…
Đúng là bạn sẽ cần có một tâm lý thoải mái khi chơi game, để tránh việc bị căng cứng hoặc dao động. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó, vui thôi đừng vui quá…
No comments:
Post a Comment