Ở bản 6.1, Riot đã quyết định rằng đây sẽ là kỉ nguyên của những tướng đi rừng mang thiên hướng sức mạnh phép thuật. Phù phép Chiến Binh và Quỷ Lửa đều đã có những quãng thời gian được phổ biến rộng rãi và làm mưa làm gió trên mọi đấu trường. Tuy nhiên, với sự giới thiệu của phù phép mới Thần Vọng, nó đã gia tăng đáng kể sức mạnh của những vị tướng sử dụng sức mạnh phép thuật, và ngay đến cả Nunu nhiều khi cũng lựa chọn phù phép này thay cho Quỷ Lửa.
Nổi bật nhất trong những vị tướng có thể dùng hiệu quả Thần Vọng chính là Nidalee. Tốc độ dọn quái rừng cực nhanh của cô đã được các tuyển thủ chuyên nghiệp khai thác ngày càng nhiều sau các tuần thi đấu. 10% tốc độ di chuyển được cộng thêm giúp cô ta tận dụng rất tốt nội tại Rình Rập của mình, khiến việc đối đầu với cô ả trở thành một nhiệm vụ cực kì khó khăn. Đồng thời, vì dễ dàng nhận được những điểm cộng dồn Thần Vọng cũng như có khả năng hồi năng lượng nhanh hơn , Nidalee trở nên cực kì khỏe ở đầu trận, đến mức cô ta có thể thao túng sự lựa chọn người đi rừng của đối phương, khi đối thủ phải cân nhắc lựa chọn một vị tướng đủ khỏe để đối mặt với Nidalee.
Trong 2 tuần vừa qua, không chỉ có mình Nidalee là được hưởng lợi từ phù phép Thần Vọng. Ở bản 6.3, Gragas đã được tăng sức mạnh với sát thương lan được thêm vào ở chiêu Say Quá Hóa Cuồng. Hơn nữa, thời gian niệm của chiêu thức này được giảm bớt, và đòn đánh đầu tiên của Gã Bợm Rượu giờ đây gây sát thương lên những kẻ địch trong phạm vi 250 khoảng cách. Điều này giúp tốc độ dọn rừng của Gragas được cải thiện rất nhiều, và hắn ta cũng đỡ tốn máu hơn sau những bãi quái đầu tiên. Đã có những tranh luận về phù phép phù hợp nhất cho Gragas, nhưng rút cuộc đa số người chơi đều chọn Thần Vọng.
Thần Vọng cho Gragas nhiều tốc độ di chuyển và sát thương dồn hơn, nhưng lại lấy đi của hắn sự cứng cáp (kể cả khi người chơi đã mua Trượng Trường Sinh cũng như sử dụng Say Quá Hóa Cuồng). Điều này khiến Gragas cực kì phù hợp với meta ưu tiên lấy trụ hiện nay, khi hắn ta vừa cung cấp những phương án rút lui cho đội hình ép trụ mà rất nhiều đội ở LCS châu Âu đang sử dụng, lại vừa thích hợp với đội hình bắt lẻ khi Thần Vọng đạt đủ điểm cộng dồn để dễ dàng dồn chết một tướng đối phương. Điểm yếu của Gragas chính là giai đoạn đầu trận khi hắn chưa đủ khỏe để trực tiếp đối đầu với những tướng đi rừng hổ báo hơn như Nidalee hay Elise.
Ở tuần thi đấu vừa rồi, đã có 2 trận đấu mà Nidalee cùng Gragas đối đầu với nhau, cũng như 2 trận đấu mà một đội dùng Nidalee hoặc Gragas để đối phó với những vị tướng đi rừng khác. Những trận đấu này đã thể hiện rõ lợi thế mà những bản cập nhật gần đây mang lại cho 2 vị tướng này, cũng như cách mà các đội sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.
Origen vs G2: Gragas nắm quyền kiểm soát
Một đội hình Jugger’Maw (bảo vệ xạ thủ Kog’Maw) truyền thống thường thiếu những vị tướng chịu đòn, nhưng đồng thời sẽ bao gồm con bài rất mạnh là Lulu. Tuy nhiên trong trận đấu này, không có Lulu mà chỉ có Nidalee và Orianna. Sau những sự tăng sức mạnh liên tiếp cho Kog’Maw ở 2 bản cập nhật gần đây, Nidalee không chỉ có nhiệm vụ dọn rừng nhanh nữa mà còn góp phần bảo vệ khẩu “pháo cao xạ” này. Cùng với Orianna, Origen suýt chút nữa đã có được chiến thắng sau lợi thế có được trong những giao tranh tổng vào cuối trận. Tuy nhiên, bộ kĩ năng giúp chia tách và cô lập đội hình địch của Gragas cùng khả năng giữ chân của Lissandra đã giúp G2 vượt qua OG.
Giai đoạn đầu trận của trận đấu này cũng không diễn ra như bình thường. Những người đi đường đơn của G2 đã liên tục đẩy lính vào trụ đối phương để tạo áp lực, giúp người đi rừng của họ là Kim “Trick” Gangyun thoải mái cướp rừng với Gragas và vượt hơn chỉ số lính so với Maurice “Amazing” Stückenschneider sử dụng Nidalee. Trận đấu này thể hiện rõ chiến thuật kiểm soát rừng thông qua điểm thắt nút – đường giữa của G2, cũng như sự thiếu ăn ý của Origen trong việc phối hợp ở đầu trận.
Sau khi thấy một việc hiếm có, khi Gragas có được lợi thế trước Nidalee vào đầu game, chúng ta nhận ra rằng Origen đang gặp khó khăn ở LCS không phải vì những thành viên thi đấu tồi. Đơn giản, họ chưa phối hợp được một cách thật tốt với nhau, và rất khó để khai thác sức mạnh của Nidalee khi đội tuyển chưa thi đấu nhuần nhuyễn và chưa nắm được nhịp độ của trận đấu.
H2k vs Giants: Suýt chút nữa là Flame Horizon
Flame Horizon là thuật ngữ để chỉ việc một tuyển thủ có nhiều hơn 100 chỉ số lính so với đối thủ đi cùng đường, và trong trận đấu này điều đó đã suýt xảy ra giữa 2 người đi rừng. Khá là bất ngờ khi Origen không thể thể hiện giai đoạn đầu trận cực mạnh của Nidalee, nhưng Giants Gaming lại làm được điều đó trước H2k. H2k đề cao việc đi đường hơn là kiểm soát rừng sớm, khi người đi rừng của họ Marcin “Jankos” Jankowski không có tỉ lệ dọn rừng nhanh cũng như hiệu quả trong những pha gank.
Ở trận này, Jankos đã không có được cho bản thân bất kì một bùa lợi nào vào đầu trận. Người đi rừng đối phương Joachim “BetongJocke” Rasmussen có được 3 bùa, còn Jankos quyết định nhường bùa xanh cho người đi đường giữa Ryu. Với Lee Sin, Jankos bỏ qua trào lưu Thần Vọng và tập trung tạo lợi thế cho các đường khi khu rừng của anh đã hoàn toàn bị BetongJocke kiểm soát.
Kết thúc trận đấu, Jankos chỉ có 143 chỉ số lính so với 238 của BetongJocke, nhưng anh lại có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với người đi rừng của Giants. Với khả năng mở giao tranh cũng như việc tạo lợi thế lớn cho các đường, anh giúp H2k có được nhiều thành công trong những pha giao tranh sau đó, và tiến tới giành chiến thắng chung cuộc.
Nếu Giants không quá yếu như thời điểm hiện tại, có lẽ kết quả trận đấu sẽ khác. Đã có thời điểm Giants ép được đến 2 nhà lính của H2k. Tuy nhiên, dù có lợi thế cực lớn về vàng và trang bị, BetongJocke vẫn thi đấu như thể anh không biết chơi Nidalee. Kết thúc trận đấu với KDA 0/7/2, anh thể hiện sự yếu kém của mình khi sử dụng một vị tướng đi rừng sát thủ.
Tuy những pha giao tranh tổng của H2k vẫn còn chưa hoàn hảo, cũng như thông tin FORG1VENGRE có thể phải nhập ngũ khiến toàn đội không thể tập trung 100%, H2k vẫn có được chiến thắng nhờ việc Giants không biết cách xoay trận đấu quanh Nidalee.
Unicorns of Love vs Splyce: Thêm Elise nữa!
Thay vì trực tiếp đối đầu với người đi rừng đối phương, Gragas trong tay Jean-Victor “loulex” Burgevin của UOL lại tập trung vào các đường đơn. Anh liên tục sử dụng Say Quá Hóa Cuồng để dọn dẹp lính cũng như đe dọa đối phương với Thùng Rượu Nổ khi Splyce có ý định ép giao tranh. Phong cách thi đấu này giúp anh có được tỉ lệ tham gia hạ gục rất cao, đồng thời lượng quái đi đường anh tiêu diệt cũng là khá lớn. Đưa Gragas ra khỏi khu rừng là việc rất sáng tạo để tránh những cuộc chạm trán khó chịu với Elise phía bên kia.
Elise cũng là một vị tướng được hưởng lợi từ phù phép Thần Vọng. Trước khi bị giảm sức mạnh ở bản 6.2, cô ta chính là vị tướng được nhắc tới đầu tiên khi nói đến Thần Vọng. Với meta hiện tại khá tin dùng điểm bổ trợ Chiến Đấu Lão Luyện, kĩ năng Phun Độc/Cắn Độc của Elise vẫn vô cùng hiệu quả khi đối đầu với Gragas cùng lượng máu được cộng thêm của hắn.
Trong trận đấu này, UOL đã đưa loulex vượt lên bằng việc tập trung ép trụ sớm cùng Gragas. Tuy nhiên, chiến thuật này như một con dao 2 lưỡi vì nếu không thể lấy được trụ, Gragas sẽ tụt lại rẩt xa so với Elise. May mắn cho những chú kì lân, họ có được toàn bộ dàn trụ ngoài của đối phương chỉ sau 8 phút thi đấu, và từ đó lăn cầu tuyết mạnh mẽ, cắm mắt sâu trong rừng đối thủ và dần dần bóp nghẹt Elise.
Splyce đáng nhẽ ra đã có thể đáp trả chiến thuật của UOL bằng việc cử Corki sang các đường khác để dọn lính hoặc tạo thêm áp lực cùng Fiora. Tuy nhiên, phần cấm – chọn của Splyce lại chưa hợp lý, và Gragas có thể dễ dàng cô lập người có khả năng dọn lính tốt nhất trong đội hình của họ. Đây là điều đội tuyển này cần phải học tập thêm trong những trận đấu sắp tới, đặc biệt khi đối thủ lựa chọn Gragas.
Vitality vs Elements: Bất kì điều gì Gragas có thể làm được…
Ít nhất là trong giai đoạn đầu trận, thì bất kì điều gì mà Gragas làm được, Nidalee cũng sẽ làm tốt hơn. Vitality lực chọn một chiến thuật tương tự như Unicorns of Love, nhưng là với Nidalee chứ không phải Gragas. Bằng việc sử dụng một đội hình toàn những vị tướng dọn lính tốt, VIT dễ dàng xâm lăng và cắm mắt trong rừng của đối phương. Nhưng thay vì mục tiêu kiểm soát rừng, họ dùng những con mắt này để tạo tiền đề cho những đợt ép trụ.
Khi đổi đường không xảy ra, các trụ thường bị phá hủy muộn hơn, và Vitality có được dàn trụ ngoài sau 18 phút thi đấu. Với khả năng hồi máu của mình, Nidalee giúp các đồng đội trụ lại và ép trụ lâu hơn. Sải tay dài cùng những ngọn lao của mình đồng nghĩa với việc cô ta có thể cấu máu và đẩy lùi đối phương ra xa trụ. Gragas trở nên vô dụng khi không thể ép ngược lại đối phương , và đây là điều VIT đã khai thác rất tốt.
Người đi rừng kì cựu Marcel “Dexter” Feldkamp chỉ ra rằng, trong trận này Gragas đã bám đuổi chỉ số lính rất tốt so với Nidalee, cũng như trở nên rất mạnh vào cuối game. Khoảng thời gian mà VIT xâm lăng và cướp tài nguyên của Elements là quá muộn, khi ấy Gragas đã đủ khỏe. Tuy làm rất tốt việc ép trụ, VIT lại chưa thể tận dụng hết lợi thế của Nidalee trước Gragas.
Trong trận đấu của G2 và Origen, chúng ta thấy được Gragas có được lợi thế trước Nidalee nhờ khả năng kiểm soát rừng vượt trội. Còn trong trận này, chúng ta lại thấy Nidalee quá dễ dàng đè nén Gragas nếu như được thi đấu đúng cách. Niềm hi vọng duy nhất của Elements chỉ là chờ đến lúc Gragas đủ khỏe để có thể phối hợp cùng Viktor trong giao tranh tổng mà thôi.
Tạm kết
Trong bản 6.4 sắp tới, Thần Vọng sẽ bị giảm sức mạnh qua việc giảm bớt đi lượng tốc độ di chuyển cộng thêm. Điều này sẽ khiến Nidalee bớt mạnh đi một chút, nhưng đây vẫn là một trang bị cực kì hữu ích trong meta hiện tại, và chúng ta hãy cùng chờ xem cuộc đối đầu giữa Nidalee và Gragas sẽ còn tiếp diễn như thế nào trong những tuần thi đấu sắp tới.
Nguồn: thescoreesports
No comments:
Post a Comment