Vòng Tứ Kết của Chung Kết Thế Giới vừa đi đến hồi kết vào ngày Chủ Nhật vừa qua sau bốn ngày khởi tranh vô cùng gay gấn. Từ chiến thắng 3-0 đầy bất ngờ của SamSung Galaxy trước Longzhu Gaming tới trận đấu căng thẳng giữa SKTelecom T1 và Misfits Gaming với kết quả 3-2. Ngoài ra còn hai trận đấu với kết quả 3-1 và 3-2 giữa RNG cùng Fnatic với Cloud9 và WE nữa. Các đội vào vòng trong đã được xác định, lần lượt là RNG, SKT, SSG và cuối cùng là WE. Vào ngày thứ bảy sắp tới thì đương kim vô địch SKT T1 sẽ có một cuộc đọ sức với đội chủ nhà là RNG trong trận bán kết đầu tiên đầu tiên.
Hãy cùng Liên Minh 360 xem qua kèo đấu này nhé!
SKTelecom T1 – Đội hình yếu nhất trong lịch sử đội tuyển?
“À vâng, lại yếu, lại ‘sida’, lại bất ổn, lại….Năm quái nào chả thế rồi cũng vẫn vô địch…”
Có lẽ sau khi đọc dòng trên thì ai cũng sẽ nghĩ câu này. Nhưng mà lắc não lên và nghĩ kỹ đi, đừng nhầm, năm ngoái SKT cũng có vấn đề nhưng chưa bao giờ họ như thế này. Hãy nói về đội hình năm ngoái một chút, có Duke, Bengi, Blank, Faker, Bang cùng Wolf. Sau khi SKT bất ngờ thua KT Rolster ở bán kết, điệp khúc “SKT bất ổn” lại được đem ra nhưng mà đó vẫn còn nhẹ nhàng chán. Ít nhất vào năm 2016 thì SKT cũng đã tìm được lối đánh cho riêng mình, bạn thắc mắc nó là gì đúng không? Đó chính là tận dụng khả năng đi đường của Duke để đẩy lẻ và thi đấu quanh nó.
Năm ngoái còn có Bengi cứu đội tuyển. Năm nay thì ai đây?
Thông thường đội hình sẽ chia làm hai với Duke ở một đường và bốn thành viên còn lại ở một đường. Đôi khi Bengi hoặc Blank sẽ lang thang qua lại giữa hai bên và hỗ trợ nếu cần. Và suốt giải CKTG 2016, chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều lần đối thủ của SKT bị ép vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Lên bắt Duke thì phải 2 người, và thế thì 4 thành viên còn lại của SKT sẽ ập vào “hấp diêm” ba người còn lại của mình. Hoặc là lao vào 4 người, đôi khi là ba của SKT và nhìn họ nhanh chóng lùi về trong khi Duke nhẹ nhàng phá trụ ở chỗ khác. Đánh kiểu gì SKT cũng có lợi thế cả. Đến cả trận tứ kết năm đó với RNG, đúng, chính là RNG đó, chỉ khác là có Looper với Mata thôi. SKT có thua một ván trước RNG nhưng đó là thua cực kỳ sát nút, thua vì lỗi di chuyển của các thành viên.
Blank có thể thay thể hoàn hảo cho Bengi nhưng Peanut thì lại chẳng thể làm được như Blank hồi năm ngoái
Vậy đội hình SKT năm nay thì sao? Vẫn có hai rừng là Blank cùng Peanut, có một đường trên mới là Huni và các vị trí còn lại vẫn như cũ. Nhưng cái khác biệt lớn nhất là sự ăn ý của toàn bộ đội tuyển và phong độ của các thành viên. Blank đã thi đấu cùng đội tuyển hơn hai năm nên sự ăn ý là khỏi phải bàn nhưng Peanut thì sao? Vẫn như một mảnh ghép lỗi bị cho ra rìa và mỗi khi thi đấu cả đội cũng như cậu ta giống như chẳng biết phải làm gì. Peanut vẫn hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát tầm nhìn tốt, cướp mục tiêu được nhưng mà các thành viên còn lại chẳng hề thể hiện sự ăn ý với cậu ta chút nào. Faker rất hay đi quá đà và bị bắt lẻ mặc dù mắt cũng có đều, bên cạnh đó là việc Peanut chẳng bao giờ phản gank nổi cho đường giữa hay bất kỳ đường nào khác.
Bang và Wolf đang có phong độ rất kém
Đối tượng tiếp theo là Bang và Wolf. Trận tứ kết vừa rồi với MSF có lẽ là trận đấu tệ nhất trong lịch sử thi đấu chuyên nghiệp của bộ đôi này. Từ các lỗi nhỏ nhặt như tiếc dùng phép bổ trợ, dùng chậm tới các sai lầm lớn như giữ vị trí trong giao tranh, di chuyển. Bang-Wolf lép vế hoàn toàn khi đem ra so với IgNar cùng Hans Sama. Thất bại liên tiếp ở ván hai và ba chính là vì họ mắc sai lầm quá nhiều. Còn một điều nữa, chính Huni còn thú nhận sau trận đấu rằng “Tôi biết trận này sẽ rất khó vì kết quả luyện tập rất là tệ“. Bạn đọc thấy không? Kết quả luyện tập rất là tệ đó? RẤT LÀ TỆ!. SKT có thể thú nhận là đối thủ giỏi hơn nhưng chưa bao giờ họ phải nói rằng kết quả luyện tập rất kém cả.
Giờ thì đi dến mặt chiến thuật. Trong năm nay, SKT vẫn chưa định hình được lối đánh của mình. Ở cả vòng bảng lẫn tứ kết ta chỉ thấy hai chiến thuật quen thuộc duy nhất. Cái đầu tiên là đội hình kéo late và phòng thủ để giao tranh, nói đơn giản là SKT sẽ chọn các vị tướng cho giai đoạn cuối trận, đợi đủ đồ rồi giao tranh hoặc bắt lỗi và đè bẹp đối thủ. Cái thứ hai là chiến thuật đẩy lẻ như họ đã dùng với Duke năm 2016, ví dụ tiêu biểu của chiến thuật này chính là trận đấu thứ hai của họ với C9, ván thứ năm trong trận Tứ Kết với MSF cũng có thể miễn cưỡng xếp vào.
Còn một cái nữa là chiến thuật chọn đội hình đầu trận rồi lăn cầu tuyết, cơ mà họ dùng đúng một lần và cũng thất bại nên tôi không tính vào đây. À, có một chiến thuật khác là đè rừng như ván cuối cùng của trận Bán Kết LCK mùa hè 2017 giữa SKT và KT hay ván thứ ba trong trận chung kết cũng trong giải LCK mùa hè 2017, hai nạn nhân của chúng là Score cùng Cuzz. SKT đã thực hiện nó một cách vô cùng nhuần nhuyễn. Nhưng mà chúng ta vẫn chưa được chứng kiến nó ở CKTG năm nay.
Liệu ba con người này có thể gánh bao nhiêu lần nữa?
Thế tóm lại SKT có cơ hội ăn RNG không? Có nhưng mà chắc cỡ 50% là căng. Chừng nào Bang-Wolf không làm mấy pha như trận với MSF và Faker không hổ báo quá đà thì SKT sẽ có cơ hội thắng khá là khả quan. À còn một điều nữa, đừng cho Peanut ra thi đấu….không phải vì cậu ta kém mà cả đội chẳng thể nào ăn ý được với cậu ta cả.
Royal Never Give UP – Được đánh giá quá cao?
Uzi rất có duyên nợ với Faker và SKT
Bên cạnh câu chuyện của “Faker và đồng bọn” quen thuộc thì sự xuất hiện của “ông vua về nhì” Uzi cũng là một trong những chủ đề nóng ở CKTG năm nay. Kể từ thời kỳ ra mắt vào năm 2013, Uzi đã luôn được đánh giá là một trong những xạ thủ hàng đầu thế giới với rất nhiều pha xử lý tuyệt vời. Cùng với Uzi năm nay là RNG, năm ngoái thì chính họ cũng đã phải dừng chân tại Chung Kết Thế Giới trước đối thủ là SKTelecom T1. Và trong năm đầu tiên trong sự nghiệp, Uzi phải chịu danh hiệu “về nhì” cũng chính vì “Faker và đồng bọn“. Thế nên nói RNG và SKT hay Uzi và Faker có nhiều duyên nợ là không ngoa. Chắc chắn là “kẻ thù” gặp nhau thì sẽ rất đỏ mắt.
Nhưng mà tôi muốn nói đến một chuyện khác, chính là macro của RNG. Theo dõi họ ở vòng bảng thì ta có thể thấy rằng RNG có macro khá là tốt nhưng đồng thời cũng có một số lúc họ bị đối thủ out macro và bị dẫn trước. Trong trường hợp như thế này thì RNG cũng có sự chữa cháy từ những việc như tập trung đội hình đẩy trụ, kiểm soát và lợi dụng các mục tiêu như rồng hay Sứ Giả Khe Nứt. Nhưng đa phần thế trận của RNG được cứu rỗi là nhờ việc đối thủ mắc quá nhiều sai lầm nhỏ nhặt. Đơn cử như trận lượt về của RNG và SSG tại vòng bảng. Tại trận lượt đi, SSG đã thua triệt để đối thủ vì những sai lầm và lối đánh thụ động của mình. Đến trận thứ hai họ gặp RNG thì SSG đã thể hiện sự thích nghi và tiến bộ rõ ràng khi lấn lướt đại diện chủ nhà và giành lợi thế.
Đúng là mọi chuyện chỉ tốt đẹp cho đến khi nó….nát bét. SSG đã mắc hai sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất là sự thiếu ăn ý trong giao tranh khi mà cả đội lại không tập trung nổi vào một mục tiêu dẫn tới việc chẳng hạ được ai cả. Ngoài ra còn là việc ra vào không hợp lý, lúc cả đội về thì lại có người lao lên. Cái thứ hai là lỗi kỹ năng của các thành viên, tiêu biểu là Ruler với hai pha dùng tốc biến chậm. Không phải nói quá nhưng nếu Ruler phản xạ nhanh hơn một chút thì RNG chưa chắc đã thắng được trận đấu đó.
Uzi cùng Ming là hai người thường xuyên bị FNC “hội đồng”
Tiếp theo thì hãy nói qua về trận Tứ Kết, trận đấu gần đây nhất của RNG với FNC. Chắc hẳn ai cũng tưởng là RNG sẽ thắng dễ dàng. Đúng thật, thắng 3-1 nhưng mà chẳng dễ dàng chút nào. Đa phần thời gian người giành lợi thế lại chính là FNC, thậm chí họ còn lật kèo. RNG đã thể hiện sự nghèo nàn và kém cỏi trong chiến thuật khi liên tục bị những tân binh out rotate (di chuyển toàn bộ đội hình tốt hơn). Số lần chúng ta thấy thành viên của RNG, nhất là bộ đôi đường dưới, bị FNC kéo xuống “hấp diêm” cũng chẳng kém gì số lần sOAZ bị RNG củ hành với 3-4 người. Trong ván một và hai, FNC đã có rất nhiều lợi thế nhưng sự yếu kém của các tân binh và các hạn chế của đội hình lại là một điểm yếu chí mạng của họ.
Chính sOAZ cũng thú nhận rằng đội tuyển đã mắc quá nhiều lỗi và không biết làm gì khi có lợi thế
sOAZ cùng Broxah không phối hợp nổi Trừng Phạt và Xơi Tái để ăn Baron, Broxah một mình đi lạc và bị bắt trước khi đồng đội đến kịp, Caps xử lý và di chuyển vô cùng vô duyên, kiểm soát tầm nhìn kém,….Các sai lầm cứ chồng chất dần. Kết quả là RNG nhẹ nhàng giành chiến thắng. Họ thắng vì có kinh nghiệm hơn và đối thủ mắc quá nhiều sai lầm. Uzi cũng có thể hiện trình độ của mình nhưng cũng không vượt trội cho lắm so với Rekkles. Nếu sau thời gian luyện tập mà RNG còn chưa cải thiện được macro, chắc chắn SKT sẽ dễ thở hơn rất nhiều vì họ sẽ không bao giờ mắc các sai lầm như FNC hay SSG.
No comments:
Post a Comment