Đường trên – Khan(Longzhu Gaming)
Siêu sao đường trên số 1 LCK mùa Hè – Kim “Khan” Dong-ha đã có một màn thể hiện đáng quên tại trận Tứ kết CKTG 2017, nơi Longzhu đối đầu với Samsung Galaxy. Pha solo kill của Khan trước CuVee với kèo Trundle vs Shen là dấu ấn hiếm hoi mà tuyển thủ có lối đánh khá là “máu chiến” này để lại cho người xem. Trong các ván đấu thì Khan gần như bị khóa chặt bởi CuVee, không thắng được đường cũng như không thể hỗ trợ nhiều cho các đồng đội, nhất là trong ván đấu anh chàng này phải cầm một vị tướng khá “tù” như Cho’Gath – khác hoàn toàn phong cách hổ báo linh động của Khan.
Đi rừng – Cuzz (Longzhu Gaming)
Liên tục bị Ambition “dắt mũi” trong các cuộc xâm lăng rừng, đóng góp cho các đường gần như không quá nổi bật, liên tục có những pha ra vào giao tranh bất hợp lý…đó chính là những gì mà chàng trai trẻ tuổi Uchan “Cuzz” Mun thể hiện tại vòng Tứ kết. Trước một đối thủ được đánh giá là đã có phong độ không tốt ở vòng bảng như Samsung Galaxy, Cuzz có những ván đấu đáng quên trong sự nghiệp, đặc biệt là ván đấu thứ nhất. Mặc dù BDD khiến Crown không thở nổi trong cặp đấu đường giữa, Cuzz liên tục không thể bảo vệ bùa xanh cho người chơi đường giữa của mình, tạo tiền đề để Samsung lật ngược thế cờ về sau với đội hình có chất tướng giao tranh tốt hơn. Cuzz còn rất trẻ (Sinh năm 1999), những gì anh chàng này làm được vào năm 2017 được coi là chấp nhận được, nhưng sau trận Tứ kết vừa rồi, chắc chắn Cuzz sẽ cần phải cải thiện khả năng đi rừng rất nhiều để giúp Longzhu tiến xa hơn tại các giải đấu quốc tế sau này.
Đường giữa – Caps (Fnatic)
Đây là kỳ CKTG khó quên của anh chàng đi đường giữa người Đan Mạch Rasmus “Caps” Winther khi Fnatic của anh ta có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để lách qua khe cửa hẹp tiến vào tứ kết. Nhưng những đóng góp của Caps cho Fnatic tại cặp tứ kết với RNG gần như là con số 0 tròn trĩnh. Việc sử dụng một vị tướng có khả năng đẩy đường và đảo đường mạnh như Taliyah không giúp Caps có thế trận áp đảo trước Xiaohu (RNG) khi hầu như không có những pha đảo đường giúp đường trên và đường dưới hợp lý. Đỉnh điểm của sự thất vọng phải nói đến những pha sử dụng Quăng địa chấn thiếu đi sự chính xác mà Caps đã thực hiện, vô tình khiến Fnatic giao tranh liên tục thất bại tại ván 1 và ván 2 tại tứ kết. Chỉ số KDA tệ hại của Caps tại tứ kết (với chỉ 1.9) là nguyên nhân cho thất bại của đại diện tới từ Châu Âu.
Xạ thủ – Pray (Longzhu Gaming)
Tại giai đoạn vòng bảng, Pray được đánh giá là một trong hai xạ thủ hay nhất (cùng với Uzi) nhưng tất cả những gì mà xạ thủ kỳ cựu này làm được trong trận tứ kết với Samsung chỉ là … bất lực nhìn Ruler dọn sạch Longzhu với con bài Tristana. Trong cả 3 ván đấu với Samsung, không hiểu tại sao Longzhu liên tục để Tristana rơi vào tay của xạ thủ Ruler và Pray phải thi đấu các kèo đấu bị thua trong giai đoạn đi đường (Xayah) hoặc rất khó đóng góp trong giao tranh (Varus). Nói gì thì nói, màn thể hiện của xạ thủ những nhà đương kim vô địch LCK rõ ràng là không ổn một chút nào. Chỉ số KDA 5-10-11, đây rõ ràng không phải Pray mà chúng ta mong đợi, hậu quả là Longzhu bị loại ngay tại tứ kết trước đội tuyển đồng hương – Samsung Galaxy.
Hỗ trợ – GorillA (Longzhu Gaming)
Đánh cặp với xạ thủ có phong độ tệ nhất chắc chắn phải là hỗ trợ có phong độ tệ nhất rồi. Đây không phải năm đầu tiên, GorillA đánh cặp cùng Pray tại CKTG. Vậy nhưng những kinh nghiệm mà cặp đôi này có được không giúp họ thắng đường trước cặp đôi Ruler – CoreJJ. Tại ván đấu thứ nhất, mặc dù sử dụng tướng sở trường – Thresh nhưng những cú kéo Án tử của GorillA không đạt đến độ chính xác cần thiết. 2 ván đấu còn lại, mặc dù sở hữu 2 con bài hỗ trợ khá “hot” trong thời gian gần đấy là Rakan và Lulu nhưng GorillA không thể cản bước Ruler liên tục có những mạng hạ gục để trở thành một con “quái vật” về sau. Chắc chắn GorillA và Longzhu sẽ phải cải thiện rất nhiều để có thể hướng tới những mục tiêu trong tương lai.
No comments:
Post a Comment