Nếu anh có cơ hội để kết thúc khi ở đỉnh cao sự nghiệp, ở một đội tuyển nào đó khác, đại loại như ở một đội Bắc Mỹ hàng đầu, hay thậm chí là ở LPL, thì anh có rời đi không? Hay anh đã quyết định ở lại với Fnatic?
Tôi quyết tâm ở lại với Fnatic, dù bằng cách này hay cách khác. Rời đi vào cuối mùa 4 là một sai lầm, tôi đã có được bài học từ nó và sẽ không lặp lại thêm lần nữa.
Rekkles trả lời phỏng vấn với TheScoreEsports – tháng 3/2017
Rekkles đã từng nghĩ đến chuyện kết thúc sự nghiệp sau khi Fnatic không thể lọt vào Chung Kết Thế Giới năm ngoái, và thêm một lần cân nhắc về vấn đề này khi Fnatic không có được thành công trong giai đoạn LCS EU mùa Xuân 2017. Ấy vậy mà tuyển thủ 21 tuổi vẫn ở lại, trở lại và cùng anh bạn sOAZ dìu dắt những tân binh như Caps hay Broxah – những người chỉ mới năm trước còn là những cái tên lạ hoắc lạ huơ, tiến tới Chung Kết Thế Giới 2017.
Sự thất vọng của Rekkles sau trận thua trước RNG tại Tứ kết CKTG 2017.
Sau ván 4 trong loạt trận Tứ kết với đối thủ là chủ nhà RNG, trong khi các đồng đội đều đã đứng dậy thu dọn đồ và chào các fan hâm mộ thì ở trên khán đài, Martin “Rekkles” Larsson vẫn ngồi yên tại vị trí thi đấu.
Thổn thức.
Công bằng mà nói, tuyển thủ người Thụy Điển hiện tại không còn là một xạ thủ thuộc nhóm đầu thế giới: cách chơi vẫn thụ động qua nhiều mùa mà không có nhiều sự cải thiện, vẫn hay mắc phải những lỗi di chuyển dẫn tới việc bị bắt lẻ – điều này xảy ra không dưới 6 lần trong 4 ván đấu với RNG. Vậy tại sao Rekkles vẫn khiến người ta yêu mến cũng như tiếc nuối khi chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn của anh khi Fnatic bị loại khỏi CKTG, hay trước đó là khi anh phạm sai lầm dẫn đến trận thua của Fnatic trước Immortals ở lượt đi vòng bảng?
Rekkles hiện tại không còn ở nhóm tuyển thủ siêu sao, nhưng tinh thần chiến đấu của anh là điều ai cũng phải khâm phục
Đẹp trai? Đó chỉ là một yếu tố mà thôi.
Rất nhiều fan Trung Quốc có mặt tại Vũ Hán và Quảng Châu đã đến nhà thi đấu, không phải để cổ vũ cho đội chủ nhà. Họ mang theo những tấm băng rôn, biển hiệu…có tên…Rekkles và Fnatic, kiểu như “Rekkles – My BEST ADC” như cô bạn ở bức hình dưới đây. Họ đã nói rằng họ thấy khát khao của Rekkles lớn hơn bất cứ tuyển thủ nào họ thấy, và thật đặc biệt hơn là họ luôn thấy được anh thể hiện khát khao đó một cách tự nhiên nhất, như một đứa trẻ mỗi khi được điểm cao ở lớp học vậy!
Cổ động viên rơi nước mắt vì Rekkles tại Quảng Châu
Thể thao điện tử chung quy lại cũng vẫn là một môn thể thao. Không ít người thắc mắc tại sao với thể thao con người ta lại dễ dàng bộc lộ cảm xúc thật sự của mình như thế? Nhưng nếu là một người hâm mộ chân chính thì những điều đó không có gì đáng để thắc mắc cả. Bởi thể thao nói chung cũng như Thể thao điện tử có thể đưa người xem đến những trạng thái cảm xúc hoàn toàn khác nhau, và tuy các tuyển thủ thi đấu tại các giải đấu lớn hiện nay đều là những chàng trai mười tám, đôi mươi nhưng người ta lại rất dễ dàng được chứng kiến những giọt nước mắt sau mỗi thất bại hoặc thậm chí cả những chiến thắng. Tuyển thủ lẫn cổ động viên có quyền khóc khi mọi thứ cảm xúc trong họ đã vỡ òa, không thể giữ trong lòng được nữa…
Ronaldo bật khóc vì chấn thương trong trận Chung kết EURO 2016.
Với Rekkles, có lẽ khoảnh khắc thua trận trước RNG thực sự đã khiến anh đi tới giới hạn cuối cùng của cảm xúc, và đó là lý giải của một tình yêu bất diệt với Liên Minh Huyền Thoại của ngôi sao người Thụy Điển. Anh và đồng đội đã chiến đấu từ vòng Khởi Động, thi đấu quật cường tại lượt về vòng bảng khi đang trong tình trạng để thua toàn bộ lượt đi, để từ đó tiến vào được Tứ Kết.
RNG không hề yếu, nếu không muốn nói là mạnh hơn hẳn Fnatic. Họ còn có thêm sự cổ vũ tới từ hàng ngàn khán giả tại Quảng Châu, đồng thời sức ép được tạo lên các tuyển thủ châu Âu là cực lớn.
Fnatic này cũng không phải Fnatic dày dạn kinh nghiệm với những siêu sao như xPeke hay YellowStar trước đây. Như rất nhiều lần trả lời phỏng vấn trước đây, sOAZ hay Rekkles đều đã nói họ chỉ là một đội tuyển với phân nửa là những cái tên mới, trong khi người chơi hỗ trợ Jesse “Jesiz” Le bắt đầu sự nghiệp cách đây 4 năm với vai trò…đường giữa.
Các chuyên gia đều cho rằng phải thần kì lắm Fnatic mới làm khó được RNG trong 1 ván, chứ việc thua 3 trắng là điều rất dễ xảy ra. Vậy mà Fnatic cũng làm RNG “trầy trật” trong cả 4 ván đấu đó chứ. Cách triển khai chiến thuật ở nửa sau ván đấu là điểm yếu của đại diện châu Âu, nhưng họ vẫn còn có thể cải thiện điều này trong tương lai!
Rekkles cúi chào khán giả Trung Quốc lần cuối
Hi vọng sau lần cúi chào khán giả Quảng Châu ở Chung Kết Thế Giới lần này, Rekkles sẽ có cho mình một quãng thời gian nghỉ ngơi trước khi trở lại chiến đấu cho mùa giải mới cùng Fnatic. Chúng ta vẫn chưa biết được LCS châu Âu năm sau sẽ thi đấu như thế nào, các đội tuyển có thay đổi gì không, nhưng hãy cứ tin rằng dù luôn bị đánh giá thấp trước khi MSI hay CKTG bắt đầu thì các đại diện châu Âu vẫn biết cách làm khu vực của họ tự hào, như Fnatic hay Misfits đã làm năm nay vậy.
Cảm xúc trong thi đấu luôn được thể hiện cực kì chân thật với Rekkles
Và hãy tin Rekkles sẽ lại xuất hiện trên sân khấu CKTG năm sau, để chúng ta được thấy một minh chứng chân thực nhất về một “Legends Never Die” – như một bức hình về anh đã được đăng tải trên LoL Esports sau vòng bảng CKTG 2017.
Goodbye Rekkles, see you soon!
P/S: À, đừng quên là Rekkles có thể xuất hiện trong đội hình Siêu Sao Châu Âu vào đầu tháng 12/2017 nhé.
No comments:
Post a Comment