Ngày 26/3 vừa qua, TSM đã có một thất bại vô cùng bất ngờ trước Clutch Gaming. Đây là một cú thụt lùi rất nặng vì trong suốt lịch sử LCS, TSM chưa lần nào mất vé tham dự vòng chung kết. Sự thay đổi nhân sự mạnh mẽ đầu năm 2018 khiến nhiều người hy vọng vào môt TSM đổi mới, một TSM thoát khỏi lời nguyền “ngáo ngơ ở đấu trường quốc tế“. Và quả thật, họ đã hóa giải lời nguyền đó, khi bạn không thể bị loại ở MSI nếu chẳng có suất thi đấu.
Trong giai đoạn lượt đi, phong độ của TSM là vô cùng tệ. Mọi thứ chỉ khá khẩm hơn một chút ở giai đoạn lượt về để rồi chợt tắt ngay trước mũi tân binh Clutch Gaming. Người hâm mộ lẫn nội vi TSM thường vịn vào lý do rằng đây là đội hình mới nên cần thời gian để thật sự ăn khớp với nhau. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là còn cần bao nhiêu thời gian nữa thì TSM mới có thể hoàn toàn lột xác?
MikeYeung: vẫn “lạc trôi” sau phút 20
Đúng, MikeYeung từng là một con quái vật ở trong giai đoạn đầu với 74.8% tỉ lệ tham gia hạ gục, cao thứ hai tại LCS năm ngoái là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Ở trong 4 ván thi đấu với Clutch Gaming, MikeYeung cũng thường xuyên đảo đường đem lại mạng chiến công đầu cho những người đồng đội. Thế nhưng, chỉ trong trường hợp mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Mike mới có thể biến lợi thế đó thành chiến thắng thật sự cho TSM.
MikeYeung lạc lối kể từ pha xâm lăng rừng sớm
Trong một bài phỏng vấn sau kì Siêu Sao Đại Chiến kết thúc, MikeYeung đã từng thẳng thắng trải lòng với Bjergsen rằng anh ta thật sự không biết mình phải làm gì sau phút 20 của ván đấu – tức giai đoạn giữa cuối. Thật vậy, ngay trong ván thi đấu thứ 3 với CG, ta cũng thấy rõ được sự tù túng của Skarner trong tay MikeYeung. Anh ta bị xâm lăng rừng từ rất sớm, để rồ bất lực trong việc kiểm soát các mục tiêu lớn cũng như điểm hạ gục tiếp theo. Sử dụng tất cả thú săn mồi, tốc biến và chiêu cuối để kiến tạo tình huống nhưng mọi thứ đều trở nên vô vọng. Mike biết là bản thân cần một đòn bẩy để kéo lại lợi thế, nhưng chỉ đơn giản là anh vẫn cứ lận đận không tìm ra cách.
Bất lực trong việc tìm mục tiêu để kéo…
Nhìn chung, MikeYeung vẫn là một người rất tài năng trong thế hệ những người đi rừng trẻ tuổi. TSM vẫn chưa thực hiện được lời hứa sẽ “mài dũa” Mike để anh thoát kiếp ngọc thô. Sau hơn 4 tháng sinh hoạt ở TSM, thứ MikeYeung có được là … 72.6% tỉ lệ tham gia hạ gục, tụt xuống vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng (từ hạng nhì). Thật sự, thứ Mike cần đơn giản là một ai đó giúp anh phát huy được tiềm năng của mình, như cách mà Peanut trưởng thành trong lối chơi khi chuyển sang Kingzone vậy.
Zven và Mithy: bản sắc chưa phù hợp
Là một bộ đôi dày dặn kinh nghiệm ở Châu Âu, Zven và Mithy được đánh giá rất cao bởi kinh nghiệm thi đấu của mình. Họ là những nhân tố chính đưa G2 lên vị trí dẫn đầu của LCS EU năm ngoái. Việc ông chủ TSM tuyển bộ đôi đường dưới rất mạnh của G2 về TSM là có cơ sở, song kết quả lại không như mong đợi.
Zven và Mithy mang đậm bản chất của phong cách đánh các đội tuyển châu âu 2017: đi đường an toàn, dọn dẹp chỉ số lính và tích tiền tới phút thứ 35 thực hiện một pha giao tranh tổng để chiến thắng. Khi được dồn toàn bộ tài nguyên của đội vào xạ thủ, Zven sẽ bắn cháy máy trong giao tranh. Nếu lối đánh đơn điệu này là một vị tướng, chắc chắn Zven và Mithy đã có hơn một triệu điểm thông thạo.
Zven liên tục mắc lỗi vị trí
Khi là thành viên TSM, Zven và Mithy đều yêu cầu sự quan tâm tối đa của các thành viên xuống đường dưới, cụ thể là vị trí đi rừng MikeYeung. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy Mike đi xuống đường dưới liên tục, thậm chí là băng trụ để Zven có được lợi thế để tăng tiến sức mạnh.
Họ tiêu hao rất nhiều tài nguyên của TSM để rồi đổi lại bằng … hàng loạt pha lỗi vị trí của Zven khiến mọi cố gắng của Mike trở nên công cốc. Công nhận là Zven nếu có đủ đồ và đủ khoảng trống thì anh ta bắn tốt thật, nhưng để có được viễn cảnh trong mơ ấy, Zven cần phải trải qua ít nhất 35′ thi đấu không mắc quá nhiều sai lầm cơ. Đã đến lúc mà TSM cần phải xem lại bộ đôi đường dưới này mà điều chỉnh lối chơi và chiến thuật cho phù hợp.
Hauntzer và Bjergsen: Ổn định thôi thì chưa đủ
Hai cái tên nổi bật đến trong đội hình của TSM đó là soái ca đường trên Hauntzer và thần đồng Bắc Mỹ Bjergsen. Không phải ngẫu nhiên mà sau một đợt thay máu lớn vào mùa chuyển nhường thì Hauntzer lẫn Bjergsen đều được giữ lại. Có thể nói ở Bắc Mỹ, họ nằm trong top những tuyển thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Song, phong độ của cả hai đều sa sút kể từ Siêu Sao Đại Chiến 2017.
Đã lâu lắm rồi, chúng ta không thấy được những pha chiêu cuối năm người của Gnar trong tay Hauntzer hay khả năng đi đường xuất sắc nữa. Trong cặp đấu với Clutch Gaming, Hauntzer đi đường chỉ đạt mức trung bình khá, còn khả năng phối hợp với đồng đội thì không xuất sắc tí nào. Thậm chí, anh còn chọc mù mắt của tất cả khán giả lẫn bình luận viên bằng một pha “húc dê” vào hư không của mình nữa.
Người còn lại là Bjergsen, siêu sao đường giữa với biệt danh “Faker của Bắc Mỹ” cũng không thực sự tỏa sáng hay “gánh team” trong thất bại vừa rồi. Mặc dù cầm Ryze thiêu đốt (TSM vs CG – ván 2) nhưng anh ta vẫn chưa một lần nào giết được Febiven. Các ván đấu còn lại, Bjergsen cũng tỏ bất lực trong việc kiềm hãm sức mạnh của Febiven, ngược lại còn bị trói chặt ở đường giữa không thể đảo đi gank sang hai bên cánh. Việc Bjergsen không bị mọi mũi dao chỉ trích vào người chỉ đơn giản vì anh ta chơi tốt hơn phần còn lại mà thôi.
Tóm lại, việc TSM không tiến được vào chung kết là một kết quả có thể đoán trước, nhưng việc dừng chân ở thời điểm sớm như thế này thì quả thật rất đáng lo ngại. Cả đội tuyển có thể nói rằng TSM cần thêm thời gian để đào tạo MikeYeung, cần thêm thời gian để Zven và Mithy quen với môi trường mới, cần thêm thời gian đê cả năm thành viên ăn khớp với nhau … nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào? Cho tới khi nào, năm tuyển thủ TSM mới có thể lột xác? Người hâm mộ phải chờ đợi tới bao lâu thì mới được ăn mừng chiến thắng của TSM như thời hoàng kim? Có lẽ, đó là câu hỏi mà ngay chính TSM vẫn chưa trả lời được.
No comments:
Post a Comment