Mỗi năm, luôn có một khu vực duy trì được thói quen gây bất ngờ cho fan hâm mộ tại CKTG với những màn trình diễn của mình. Câu trả lời còn ai khác ngoài Châu Âu.
Mọi thứ bắt đầu kể từ khi Fnatic lên ngôi vô địch ở mùa đầu tiên. Nhưng đâu mới là đỉnh cao của họ? Có lẽ là khi mà cả Fnatic và Origen cùng lọt tới bán kết vào năm 2015. Năm ngoái, Misfits cũng khiến cả thế giới kinh ngạc khi chiến đấu một cách kiên cường trước đương kim vô địch SKT T1 sau năm ván đấu và suýt chút nữa đã làm nên chuyện tại Khu tổ hợp thể thao Quảng Châu.
Năm nay, ba cái tên đại diện cho Châu Âu gồm Fnatic, Vitality và G2 sẽ cùng nhau tạo nên những phép màu tương tự. Bất cứ kết quả nào thấp hơn vòng tứ kết đều sẽ bị coi là thất bại đối với một đại diện tới từ khu vực này. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ nhận trọng trách làm lá cờ đầu và đưa Châu Âu đi đến một vị trí mà lâu rồi chưa từng đại diện nào của họ có thể tới.
Và đây sẽ là điều mà họ cần phải làm tại CKTG năm nay.
Fnatic: Chờ đợi những ngôi sao
Caps là tài năng đường giữa hàng đầu châu Âu ở thời điểm này
Cho tới thời điểm hiện tại, Fnatic vẫn là niềm hy vọng sáng nhất đủ sức đưa Châu Âu vào tới Bán kết. Với một “Baby Faker” trong đội hình, Rasmus “Caps” Winther được kỳ vọng sẽ là người giúp Fnatic hoàn thành sứ mệnh.
Fnatic đã trải qua một mùa hè đầy biến động khi mỗi thành viên đều phải cố gắng thích nghi với những thay đổi trong mùa giải này. Điều đó cũng giúp họ hoàn thiện một khả năng đa dạng chiến thuật mà bất cứ đội tuyển lớn nào cũng cần có; với sự luân chuyển giữa Paul “sOAZ” Boyer và Gabriël “Bwipo” Rau ở vị trí đường trên.
Bwipo thậm chí còn có thể đảm nhận vị trí đường dưới của Rekkles cực kỳ xuất sắc, điều đã được chứng minh trong một vài trận đấu tại LCS Châu Âu Mùa Hè 2018 vừa qua.
Fnatic luôn là niềm hi vọng lớn nhất của châu Âu tại đấu trường quốc tế
Nhưng nếu thực sự muốn tiến xa tại CKTG lần này, họ rất cần Rekkles ở vị trí quen thuộc của anh. Không ít lần trong quá khứ, ngôi sao điển trai của Fnatic mắc nhiều sai lầm khi thi đấu hoặc đòi hỏi quá nhiều tài nguyên, điều mà không hề dễ dàng thực hiện. Trong trận thua trước RNG tại bán kết MSI 2018, họ có được Caps với Aurelion Sol ở đường giữa để có thể hỗ trợ cho hai đường cánh nhưng lối chơi quá đơn điệu như vậy khó lòng có thể qua mặt được những đội tuyển Trung Quốc.
Điều đó không được phép xảy ra. Những ngôi sao của Fnatic cần phải thể hiện đúng với những gì họ từng làm tại Châu Âu trong suốt mùa giải qua. Caps sẽ phải thi đấu hổ báo và gây áp lực thường xuyên lên phía đối phương, đồng thời kết hợp với người đi rừng Mads “Broxah” Brock-Pedersen để tạo nên những pha tấn công bất ngờ tại các đường. Vai trò của Rekkles là tối quan trọng và khi trận đấu cần được định đoạt bởi những tình huống giao tranh tổng, đó là lúc mà xạ thủ của Fnatic cần phải lên tiếng.
Fnatic luôn có một nội tại tương đối mạnh ở CKTG nhưng điều quan trọng là họ sẽ phát huy nó được đến đâu. Miễn sao họ vẫn là chính mình và không gặp vấn đề gì về tâm lý, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Team Vitality: Điên cuồng ở đường giữa
VIT phụ thuộc nhiều vào khả năng xoay sở của đường giữa
Trong phần lớn thời gian của LCS Châu Âu Mùa Hè năm nay, Vitality chỉ tập trung sửa chữa những sai lầm còn tồn tại của họ từ Mùa Xuân, bao gồm cả đi rừng và lối chơi yếu ớt ở đường dưới. Những thay đổi đã mang đến kết quả đáng kinh ngạc với vị trí thứ ba chung cuộc cùng một lối chơi tiến bộ rõ rệt so với Mùa Xuân.
Để thành công tại CKTG, họ vẫn còn một vài điều cần cải thiện hơn nữa. Trừ thành tích ấn tượng của họ trong Mùa Hè vừa qua, có một điều mà Team Vitality đã bỏ qua: Không tận dụng được sự đột biến từ người chơi đường giữa Daniele “Jiizuke” di Maurio.
Jiizuke là chủ lực đáng chú ý nhất của VIT
Jiizuke thực sự không hề ngán bất cứ đối thủ nào ở đường giữa khi anh luôn có những màn solo-kill cực kỳ mãn nhãn. Không dừng lại ở đó, đôi khi anh còn có những màn 1v2 vô cùng táo bạo ở những đường cánh của bản đồ.
CKTG là nơi mà những ngôi sao tạo dựng được tên tuổi. Thậm chí Vitality không thể tiến xa được đi chăng nữa, Jiizuke vẫn cần phải chứng tỏ hết những gì mà mình có ở mỗi trận đấu. Đây chính là lợi thế rõ ràng nhất của họ – khu vực đường giữa và đặc biệt là khi ở bên đội đỏ – mọi thứ sẽ trông đợi vào màn trình diễn của Jiizuke rất nhiều.
Nếu điều đó không thành công, ít ra chàng này cũng đã nỗ lực và những kinh nghiệm mà anh có được vẫn là điều quý giá để có thể phát triển về sau này.
G2 Esports: Thi đấu tích cực hơn
G2 vẫn luôn được coi là một tượng đài tại Châu Âu nhưng thành tích thi đấu ở các giải đấu quốc tế lại chính là điểm yếu của họ. Họ chưa từng vượt qua nổi vòng bảng của CKTG, một điều đáng thất vọng với đội tuyển từng 4 lần vô địch Châu Âu.
G2 có một lối chơi chậm và trông cậy vào những tình huống giao tranh tổng quanh mục tiêu lớn, điều không còn là thế mạnh của họ ở một nơi mà có quá nhiều đối thủ đã làm chủ chiến thuật này từ lâu. Năm nay, họ thậm chí còn gặp vô vàn khó khăn tại giải đấu quốc nội. Thói quen thiếu chủ động ở đầu ván đấu đã khiến họ tụt lùi và hậu quả là thất bại ở ngay vòng tứ kết của LCS Châu Âu Mùa Hè 2018.
G2 cần cố gắng để hỗ trợ Perkz một cách tối đa
Vấn đề không khó nhận ra bởi nó đã xuất hiện từ lâu, nơi vị trí đi rừng mà Marcin “Jankos” Jankowski chấn giữ. Sự chậm chạp của anh khiến các đường của G2 thi đấu rời rạc và lúc nào cũng phải ở trong thế phòng thủ trước đối phương. Từ niềm hy vọng sẽ cải thiện lối chơi một màu của G2 bấy lâu nay, anh lại trở thành sự thất vọng tột cùng với fan hâm mộ. Thậm chí, Jankos còn không thể tạo được một sự liên kết nào với ngôi sao sáng nhất của đội là đường giữa Luka “Perkz” Perkovic.
Hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi 180 độ tại CKTG này với Jankos nói riêng và G2 nói chung gần như bất khả thi nhưng cũng nên nhớ rằng, giải đấu này là nơi mà bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.
No comments:
Post a Comment