Trở về đấu trường khu vực với vị thế là Á quân MSI 2016, CLG là đội tuyển được đánh giá rất cao trong LCS Bắc Mỹ Mùa Hè sắp tới. Với những màn trình diễn ngoạn mục vừa qua, họ hoàn toàn xứng đáng với vị thế số 1 Bắc Mỹ hiện tại. Vượt lên trên những Immortals, Cloud9 hay TSM…CLG đã hạ gục mọi đối thủ, vươn mình ra biển lớn, tôi luyện bản thân và mang về vinh quang cho khu vực.
Trước đây, Bắc Mỹ là một khu vực không được đánh giá cao bằng Hàn Quốc, Trung Quốc hay thậm chí cả Châu Âu và Đài Loan. Những đội tuyển Bắc Mỹ khi bơi ra đấu trường quốc tế mới thấy rõ năng lực chuyên môn và chiến thuật còn quá hạn chế và không đạt được nhiều thành tựu. Nói đâu xa xôi, ngay CKTG năm ngoái, chính bản thân CLG cùng TSM và Cloud9, 3 hạt giống của Bắc Mỹ đều phải cắp chuột đi về ngay sau vòng loại. Đứng trước những đội tuyển đến từ các khu vực khác, dường như họ chỉ là một đứa bé còn non nớt, chập chững tìm cách hòa nhập với thế giới bên ngoài.
Ảnh chế vui của cộng đồng LMHT về thất bại của khu vực Bắc Mỹ trong CKTG 2015
Nhưng giờ đây, chúng ta có thể thấy được hình ảnh của một Bắc Mỹ rất khác thông qua những màn trình diễn của CLG trong MSI vừa qua. Kỹ năng cá nhân thượng thừa, chiến thuật hợp lý, sáng tạo cùng với những bộ óc tư duy tuyệt vời…- họ chính là Couter Logic Gaming.
Darshan – Chiến binh quả cảm
Hiển nhiên rồi. “Đẩy lẻ” là một chiến thuật không mới, nếu như không muốn nói là rất hay xuất hiện trên Đấu Trường Công Lý. Rất nhiều người đi đường trên khác cũng thường xuyên đi đẩy đường khi có cơ hội vì họ có Dịch Chuyển, và nếu xảy ra giao tranh, họ có thể ngay lập tức đến bên những người đồng đội. Nhưng chỉ đến năm nay, cụm từ này mới được gán cho một tuyển thủ vì tầm ảnh hưởng của chiến thuật này mà anh ta mang lại.
Với Darshan, đẩy lẻ không đơn thuần chỉ là lén lút phá trụ để có thêm kinh tế, có thêm lợi thế về tầm nhìn, mà cái cách anh sử dụng việc này để tạo áp lực lên toàn bộ đội hình đối phương mới là điều đáng nói. Sức mạnh của anh, lối thi đấu trên cơ của anh được cụ thể hóa vào việc đi đẩy đường để chia rẽ đội hình địch, tạo điều kiện để đồng đội của anh có được những lợi thế. Chỉ cần lơ đãng một chút thôi, khi đối đầu với CLG, đối phương có thể đứng trước nguy cơ “bỗng dưng” mất một đường bất kỳ lúc nào.
Được mệnh danh là “cỗ máy phá trụ” với Jax, với Fiora hay Ekko, nhưng Darshan có thể lập tức trở thành một chỗ dựa vững chắc cho đồng đội với những Maokai, Poppy hay Trundle cùng hàng tấn sức chống chịu. Sở hữu kỹ năng cá nhân tuyệt đỉnh, ở Bắc Mỹ ít ai có thể thắng đường anh. Với lối chơi khó chịu và nguy hiểm, CLG đã có được một người đi đường trên thực sự tuyệt vời, hoàn hảo theo đúng nghĩa.
Xmithie – Người đi rừng mẫu mực
Nếu như Darshan nổi tiếng với chiến thuật đẩy lẻ, Huhi gây ấn tượng với những màn thể hiện hơi “fail” của mình, “thánh Caitlyn” Stixxay hay tên tuổi đã quá nổi tiếng của “siêu hỗ trợ” Aphromoo thì so với những người đồng đội, Xmithie kém nổi bật hơn rất nhiều. Người ta chỉ nhớ đến anh như một người đi rừng diễn tròn vai của CLG.
Đúng, lối thi đấu của Xmithie không màu mè, không hoa mỹ, ít tạo highlight mà chỉ đơn giản là hiệu quả, và phù hợp với chiến thuật của đội. Với anh, chiến thắng của đội tuyển mới là điều quan trọng nhất. Một người đi rừng biết hi sinh, lặng lẽ đứng sau hỗ trợ cho những người đồng đội tỏa sáng, chấp nhận thua thiệt chỉ số lính để giúp các đường giải tỏa áp lực…, đó chính là định nghĩa về Xmithie. Trong môi trường esports chuyên nghiệp, nơi ai cũng muốn phô diễn kỹ thuật cá nhân, thì những tuyển thủ như Xmithie là không nhiều.
Xmithie có gương mặt hiền lành
Với lối đánh chắc chắn, thông minh, rất nhiều lần Xmithie đã càn thẳng vào tuyến sau của quân địch, khống chế và gây sát thương, tạo tiền đề để giao tranh thắng lợi. Liệu CLG còn cần gì nhiều hơn thế ?
Huhi – Yếu điểm của CLG
So với những người đi đường giữa hiện nay, Huhi chưa bao giờ được đánh giá cao. Kỹ năng của Huhi không tồi nhưng cũng chưa thực sự tốt và phong độ không ổn định. Giữa một rừng những nhân tài nổi trội của Bắc Mỹ như Jensen, Bjergsen, Froggen hay Pobelter, anh đều bị trên cơ hoàn toàn. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thấy lối chơi của Huhi nghiêng về phòng thủ và hòa đường nhiều hơn, anh chỉ “dám” hổ báo khi có cơ sở, có đồng đội hỗ trợ phía sau.
Tuy nhiên, CLG đã “lợi dụng” rất tốt điều này để triển khai chiến thuật. Vì Huhi là mắt xích yếu nhất trong đội nên đối phương thường xuyên tập trung “chăm sóc” cho anh chàng này. Biết được điều đó, CLG đã nhiều lần tổ chức những pha phản gank thắng lợi, mang về nhiều lợi thế to lớn. Chính vì điều này mà dù nhận được khá nhiều chỉ trích, nhưng Huhi vẫn là người đi đường giữa của CLG trong mùa giải này. Việc mang về một tuyển thủ tầm cỡ thay thế Huhi đối với HotshotGG không phải là một chuyện khó. Ừ thì Huhi “tạ” thật, nhưng CLG vẫn đang cực kỳ thành công với sự đóng góp của “quả tạ” này đó thôi…
Tuy vậy, Huhi vẫn nên luyện tập chăm chỉ hơn nữa vì có khá nhiều lần, CLG bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời chỉ vì người chơi đường giữa của họ phạm sai lầm. Những sai lầm không đáng có…
Stixxay – Best Caitlyn NA
Chà. Tôi biết nói gì nữa đây khi những bài viết về chàng tân binh này đã quá, quá nhiều rồi. Là sự lựa chọn thay thế cho Doublelift, ngay từ ban đầu Stixxay đã phải chịu những áp lực nặng nề của khán giả áp đặt cho anh. Rằng liệu anh có thể vượt qua cái bóng quá lớn của Doublelift trong lòng người hâm mộ CLG hay không ? Cặp đôi Rush Hour thần thánh thuở ấy có tầm ảnh hưởng khá lớn đến cộng đồng Bắc Mỹ cũng như trên thế giới, mà việc làm lu mờ một biểu tượng chưa bao giờ là dễ cả…
Và hãy nhìn xem, anh ấy đã làm được gì ? Vượt xa cả những gì mọi người có thể tưởng tượng. Nếu như Stixxay đăng quang vô địch LCS Mùa Xuân trong sự hoài nghi, rằng kỹ năng của anh vẫn chưa thực sự tốt, rằng anh vẫn còn phải phụ thuộc vào người hỗ trợ của mình khá nhiều, rằng danh hiệu MVP trận Chung kết giành cho anh chưa thực sự xứng đáng…thì MSI 2016 là một câu trả lời xác đáng cho điều đó.
Stixxay Highlight
Là một tân binh lần đầu tiên bơi ra biển lớn, nhưng Stixxay đã làm được những điều mà các tuyển thủ kỳ cựu hằng ước mơ. Với khả năng chọn vị trí thông minh và xả sát thương một cách khủng khiếp cùng sự bảo kê tuyệt vời của những người đồng đội, Stixxay đã cống hiến cho khán giả những màn trình diễn mãn nhãn nhất, những phút giây thăng hoa nhất, mang lại niềm tự hào cho toàn Bắc Mỹ.
Stixxay là “phiên bản hoàn thiện” hơn so với Doublelift. Không hẳn là hơn về kỹ năng, vì cũng chỉ là “kẻ tám lạng, người nửa cân” mà thôi. Nhưng Stixxay thi đấu khá an toàn và chắc chắn, chỉ hổ báo khi có cơ sở và biết nghe góp ý của mọi người trong đội. Về điều này tôi đánh giá Stixxay cao hơn Doublelift một chút. Và thực sự tôi đang rất ngóng chờ những màn thể hiện tiếp theo của Stixxay trong LCS Mùa Hè sắp tới, chắc chắn sẽ vô cùng thú vị.
Aphromoo – Người nâng tầm xạ thủ
Không còn gì phải bàn cãi khi nói Aphromoo là hỗ trợ hàng đầu Bắc Mỹ hiện nay. Với khả năng bảo kê tuyệt vời, sự chủ động trong mọi tình huống và một cái đầu tinh quái, Aphromoo thường xuyên dọn cỗ sẵn cho xạ thủ của mình chỉ việc “xơi”. Chính vì vậy mà trước đây là Doublelift và bây giờ là Stixxay đều được anh “chăm sóc” rất tốt, trở thành một nguồn sát thương lớn cho toàn đội. Aphromoo cũng là người quyết định lối di chuyển và giao tranh của CLG cũng như truyền cảm hứng thi đấu cho những người đồng đội.
Có thể nói, công của Aphromoo là rất lớn trong việc biến Stixxay trở thành “hiện tượng” trong MSI vừa qua. Nếu gọi anh là “người nâng tầm xạ thủ” cũng không có gì sai, vì thực sự là như thế. CLG sẽ không thể được như ngày hôm nay, Stixxay sẽ không thể được như ngày hôm nay nếu không có anh. Một người hỗ trợ biết hi sinh, chấp nhận sử dụng bất kỳ vị tướng nào, kể cả những con bài không thuận tay, chỉ vì đồng đội cần. Những Bard với chiêu cuối giữ chân được nhiều mục tiêu để đồng đội lao vào hủy diệt, những Alistar với những cú hất tung được 3-4 người hay Khúc cao trào của Sona làm cả đội hình đối phương tê liệt…đều đã là thương hiệu của Aphromoo.
Lời kết
Có điều kiện tiếp xúc với nhiều khu vực khác, với những đội tuyển hàng đầu thế giới, giờ đây trở lại LCS, CLG đang hoàn toàn đứng ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại của Bắc Mỹ. Tuy từng cá nhân vẫn còn có những yếu điểm riêng, nhưng khi kết hợp lại với nhau, họ tạo nên một sức mạnh lớn lao như những mảnh ghép vậy, có mảnh thừa, có mảnh thiếu nhưng cuối cùng vẫn thành một tổng thể hoàn chỉnh.
Sức mạnh của CLG trải dài từ LCS Mùa Xuân đến MSI và tới LCS Mùa Hè này vẫn chưa lúc nào hạ nhiệt. Với những con người khao khát đứng trên đỉnh vinh quang, cùng chung một lý tưởng, chiến đấu hết mình thì LCS Mùa Hè sắp tới sẽ nóng hơn bao giờ hết theo đúng nghĩa đen của nó. Và liệu có đáng mong chờ không khi ngay trận khai mạc, họ sẽ đối đầu với “đối thủ truyền kiếp” của mình: Team SoloMid ?
Cuộc đối đầu giữa 2 cái tên sừng sỏ của Bắc Mỹ sẽ khởi tranh vào 07h00 ngày 04/06 và sẽ được VETV tường thuật trực tiếp trên http://vetv.vn/. Một khung giờ quá tuyệt vời rồi, các bạn hãy chú ý đón xem nhé.