Như vậy là kỳ Chung Kết Thế Giới 2018 đã khép lại với trận chung kết diễn ra khá chênh lệch giữa Fnatic và Invictus Gaming. Đây có thể được coi là kỳ CKTG nhiều biến cố nhất trong lịch sử với hàng loạt cú sốc diễn ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là phong độ vô cùng tệ hại của những “siêu sao” khi bước vào những thời khắc then chốt. Cùng chúng tôi điểm qua 5 cái tên gây thất vọng nhất tại CKTG 2018!
Đường trên – Su ‘Hanabi’ Chia-Hsiang (FW)
Hanabi được rất nhiều người hâm mộ LMS và FW tin tưởng sẽ xóa nhòa hình ảnh thi đấu đầy bạc nhược của người đàn anh MMD tại CKTG 2017. Điều đó càng được tin tưởng sẽ trở thành hiện thực sau màn trình diễn tương đối ấn tượng của anh chàng này tại MSI 2018. Thế nhưng sức ép quá lớn tới từ đấu trường lớn nhất đã khiến chàng trai trẻ của FW gục ngã – một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc FW bị loại ngay từ vòng bảng.
Chẳng còn ai nhận ra một Hanabi kĩ năng cá nhân thượng hạng tại CKTG 2018
Có 2 trận đấu mà Hanabi lẽ ra cần làm tốt hơn để giúp FW có chiếc vé vào vòng sau. Trận đấu với PVB ở giai đoạn lượt về là 1 trận đấu đáng quên của Hanabi khi anh bị Zeros cùng Xuhao phối hợp đè bẹp ngay ở giai đoạn đi đường. Trong khi đó trận chiến Tiebreak trước G2 lại chứng kiến sự nghèo nàn về mặt ý tưởng của người từng “cầm Yasuo chém nát” KZ tại MSI 2018. Liên tục bị đè đường để rồi bị hết Wunder rồi Perkz solokill. Kỳ CKTG đầu tiên của Hanabi đã kết thúc theo cái cách thực sự thảm họa.
Đi rừng – Lee ‘Spirit’ Da-yoon (AFS)
Ở trong bảng đấu được người ta đánh giá “không quá khó” với một đại diện tới từ LCK, AFS và Spirit đã khởi đầu cực kỳ khó khăn trước khi thắng liền 1 mạch 1 ván để vươn lên dẫn đầu. Những tưởng thành tích này sẽ giúp AFS thi đấu thăng hoa, đặc biệt khi cả GEN rồi đến KT bị loại thì Spirit khiến tất cả phải thất vọng về mình thêm một lần nữa với trận thua tan nát 0-3 trước C9.
Lối chơi lạm dụng kiểm soát của LCK đã bị bắt bài tại CKTG 2018
Chưa có kỳ CKTG nào mà hàng ngũ kỳ cựu tại vị trí đi rừng của LCK lại nhiều như CKTG 2018. Spirit gần như mất hút trong cả 7 trận ra quân cho AFS. Một phần sự thất bại của Spirit tại CKTG 2018 tới từ việc đi rừng theo phong cách lạm dụng sự kiểm soát và quá thiếu tính đột biến. Khi bạn là người đi rừng, bạn bị đối phương đè đầu cưỡi cổ, thậm chí điều đó tới từ hạt giống số 3 Bắc Mỹ thì Spirit xứng đáng đón nhận tất cả những lời chỉ trích nhắm thẳng vào bản thân.
Đường giữa – Lee ‘Crown’ Min-ho (GEN)
Thêm một người Hàn nữa nằm trong danh sách này. Crown đem đến sự thất vọng đến chán chường tại CKTG năm nay với 1 lối chơi thủ hòa và quá bị động. CKTG 2018 sở hữu một Meta bắt buộc người đi đường giữa phải thi đấu một cách chủ động nhiều hơn là quá an toàn, bởi sát thủ đường giữa đã trở lại. Crown vẫn trung thành với những lựa chọn an toàn nên cũng không khó hiểu khi anh bị hủy diệt ngay từ giai đoạn đi đường.
Làm sao chấp nhận được người đang là đương kim vô địch thế giới trình diễn những ván đấu với KDA cực kỳ thê thảm như 2/5/2, 0/3/4 hay 0/6/2. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng việc các LCK quá ưu tiên sự an toàn dẫn đến việc Crown hoàn toàn choáng ngợp trước sức mạnh của những đường giữa hổ báo. Nhưng hãy thôi trách móc GEN, khi họ đã để Fly – người đã gồng gánh GEN biết bao nhiêu ván đấu tại LCK ở nhà và tin tưởng vào Crown. Tất cả có thể đã tốt hơn với GEN chỉ bằng 1 chữ “nếu“.
Xạ thủ – Jian ‘Uzi’ Zi-Hao (RNG)
Trước khi CKTG diễn ra, người ta tin rằng Uzi sẽ xóa toàn bộ những dớp “về nhì” của mình trong năm 2018. Thành tích vô đối của Uzi trong năm 2018 (vô địch tất cả các giải đấu mà mình tham dự) càng được tô điểm với những màn trình diễn rất ấn tượng của xạ thủ kỳ cựu LPL. Khi tất cả đều tin vào việc băng băng tới trận chung kết của RNG, kể cả những trục trặc nhỏ của họ tại giai đoạn vòng bảng, thì Uzi như dội 1 gáo nước quá lạnh vào người hâm mộ của anh.
Màn trình diễn mờ nhạt trước đối thủ “không xứng tầm” G2 tại tứ kết của Uzi là một trong những nguyên nhân lớn nhất của thất bại địa chấn vào chiều tối hôm thứ 7 ấy (20/10). Uzi thi đấu dưới sức tới khó hiểu, đặc biệt trong giai đoạn đầu trận. Quá nhiều lần nằm xuống khi tốc biến vẫn còn và để Hjarnan vượt trội về mặt sát thương là điều khó có thể chấp nhận của Uzi. Uzi tiếp tục có 1 kỳ CKTG buồn nhưng có lẽ anh chàng này nên tự trách bản thân nhiều hơn.
Hỗ trợ – Jo ‘CoreJJ’ Yong-in (GEN)
CoreJJ của 2 kỳ CKTG liên tiếp 2016 và 2017 được biết đến như 1 trong những hỗ trợ “make play” hay nhất giải đấu với Tahm Kench, Taric, Braum…. Thế nhưng thật khó hiểu là khi Ruler đã thi đấu vô cùng cố gắng thì CoreJJ lại chẳng có nhiều đóng góp. Trung bình 4.33 mạng hỗ trợ trong 1 trận của CoreJJ là chỉ số hỗ trợ gần như thấp nhất của tất cả các hỗ trợ xuất hiện tại CKTG (Chỉ hơn 2 hỗ trợ của 2 đội có tỉ số 0-6 sau giai đoạn vòng bảng là K (MAD) và Koala (G–Rex)).
Bên cạnh Crown, CoreJJ cũng cần chịu trách nhiệm cho thất bại của GEN tại CKTG 2018
CoreJJ bị hạ gục rất ít và cũng chẳng có mấy lần hỗ trợ đồng đội, điều đó cho thấy 1 lối chơi nghèo nàn và thiếu ý tưởng của anh chàng này. Với một hỗ trợ thay đổi phong cách chơi từ chủ động “make play” sang bị động chờ đợi sai lầm đối thủ, GEN kết thúc giai đoạn vòng bảng với thành tích quá kém cỏi 1-5 khi chẳng có nổi 1 cơ hội để lật ngược thế cờ.
No comments:
Post a Comment