Định nghĩa vị trí đi rừng
Vị trí đi rừng, ban đầu được coi là một vị trí mang tính hỗ trợ, không giống như những vị trí khác trong Liên Minh Huyền Thoại. Bốn người còn lại chơi ở các đường, trong khi đó người đi rừng đảo khắp bản đồ, giết quái rừng lấy tiền và phụ giúp những người đồng đội bằng những pha gank. Cách đi rừng là tùy thuộc vào mỗi người, nhưng có một số điều kiện chính mà bất kỳ người đi rừng nào cũng phải thực hiện.
Theo như định nghĩa vai trò đi rừng, người đi rừng phải tạo được sức ép trên bản đồ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu game vì lúc này họ là thành viên cơ động nhất. Có thể gây áp lực bằng nhiều cách – có những pha gank hỗ trợ đồng đội, phá trụ, ăn bùa lợi hoặc rồng. Ngay cả những người đi rừng “ăn cỏ” cũng có thể gây áp lực, dù không quá mạnh mẽ, bằng cách tấn công đối phương từ sớm để có thể lăn quả cầu tuyết trước khi sức mạnh của họ trở nên vô dụng trong giai đoạn giao tranh. Một trong những cách tốt nhất để gây sức ép bản đồ là phản gank, biến pha gank tưởng chừng có lợi cho đối phương trở nên có lợi cho đồng đội. Nước đi này được đánh giá rất cao vì nó có thể vô hiệu hóa sức ép mà đối phương gây ra, đồng thời gia tăng áp lực của bên phản gank.
Khi đấu trường chuyên nghiệp của Liên Minh Huyền Thoại đang dần phát triển, tầm nhìn ngày càng trở thành một phần quan trọng trong vai trò Đi rừng. Mặc dù ban đầu kiểm soát tầm nhìn là nhiệm vụ chính của vị trí Hỗ trợ, nhưng khả năng đảo khắp bản đồ vào đầu game khiến những con mắt của người đi rừng có khi còn hiệu quả hơn của hỗ trợ. Trong những năm gần đây, ở Mùa 4, số lượng mắt được cắm đã bị giới hạn, mỗi người chơi chỉ được phép cắm 3 con mắt xanh trên bản đồ tại cùng thời điểm, điều này khiến cho việc cắm mắt của người đi rừng càng trở nên quan trọng hơn.
Meta thay đổi, trách nhiệm gây sát thương và chống chịu cũng có sự thay đổi trong năm vị trí. Ngày trước người đi rừng chịu trách nhiệm chống chịu và mở giao tranh. Tại một số thời điểm, những vị tướng như Kha’Zix hay Rengar có khả năng gây sát thương gần tương đương với những vị trí sát thương chủ lực, nhưng thông thường ngay cả những người đi rừng chủ lực như KaKao sẽ chú trọng vào việc tăng khả năng chống chịu để bổ trợ cho những pha mở giao tranh trước khi chuyển sang các món đồ sát thương.
Hoàn thiện đội hình
Với những chi tiết về vị trí đi rừng đã có, chúng ta sẽ khảo sát những nguồn tài nguyên trên bản đồ. Những nguồn tài nguyên này bao gồm farm, đảo đường, và sự quan tâm.
Farm thì không cần giải thích nhiều, số lượng lính/quái rừng/điểm hạ gục trên bản đồ khá hạn chế, các đội có thể quyết định phân bổ chúng như thế nào. Thông thường, hai vị trí sát thương chủ lực sẽ được tạo khoảng trống để farm, nhưng cũng có trường hợp lượng tiền được trải đều ở tất cả thành viên (Moscow 5) hay tập trung toàn bộ tài nguyên cho một người chơi nhất định (SHRC với UZI). Farm sẽ giúp đạt đến ngưỡng sức mạnh sớm hơn (thông qua Sát thương chí mạng, nội tại của Mũ Phù Thủy Rabadon/Phù Phép: Quỷ Lửa hoặc qua cách mạnh lên thông thường nhờ Giáp/Máu cho tướng chống chịu, Xuyên giáp cho Xạ thủ và Xuyên kháng phép cho Pháp sư đường giữa).
Đối với vị trí đi rừng, nguồn thu đến từ việc farm là khá hạn hẹp. Vì tiền kiếm được ở các đường là nhiều hơn so với ở trong rừng nên người đi rừng tập trung gank giúp đỡ đồng đội sẽ hiệu quả hơn là trở thành một chủ lực. Chính vì thế, những người đi rừng có chỉ số lính cao thường khá hiếm và đòi hỏi đồng đội phải chịu thiệt thòi không ít.
Đảo đường là những pha gank ở một đường với ý định lăn quả cầu tuyết cho người chơi tại đường đó. Ở phần lớn các đội, chỉ có người đi rừng đi gank, đôi khi có kèm theo một chút giúp đỡ từ người hỗ trợ. Trong vài trường hợp, người đi đường trên cũng có thể dùng Dịch chuyển để gank đường khác, thường là đường dưới, hoặc là người đi đường giữa di chuyển cùng người đi rừng lăn quả cầu tuyết ở các đường khác. Khi đi gank, người chơi sẽ phải từ bỏ phần nào lợi thế đang có ở đường của mình để đi hỗ trợ cho đồng đội. Thông thường, các đội tuyển chỉ có vị trí chủ lực được các thành viên khác đảo đường giúp đỡ. Những đội có hai vị trí chủ lực (Fnatic với xPeke và sOAZ ở Mùa 3) thường có một người đi rừng khá “nghèo” như Cyanide.
Vì vị trí đi rừng là vị trí đảo đường chủ yếu nên khó có thể tìm được người đi rừng phải nhờ đến sự trợ giúp. Người đi rừng thường phải hy sinh thời gian của mình để giúp đỡ đồng đội. Trường hợp đồng đội đảo đi giúp người đi rừng thường là do đối phương cướp rừng. Một số gương mặt điển hình cho trường hợp này gồm DanDy của SSW hayDiamondprox của Gambit Gaming.
Sự quan tâm ở đây là dành cho người tạo đột biến của một đội tuyển, người nhận được nhiều hỗ trợ từ đồng đội nhất và lối chơi của cả đội sẽ xoay quanh vị trí này. Dựa vào điều này, những vị trí mang tính trợ giúp như hỗ trợ và đi rừng có thể trở thành chủ lực nhờ vào những lượt chọn tướng hoặc những pha mở giao tranh mang tính quyết định. Thông thường các đội tuyển chỉ có một số lượng người tạo đột biến nhất định, ngay cả đội tuyển nổi tiếng hổ báo như OMG ở Mùa 3 và 4 cũng sở hữu một thành viên thận trọng như San. Đồng thời, một đội tuyển cũng cần có một số lượng người tạo đột biến ổn định, nếu không họ sẽ dần tụt lại và đối phương sẽ dần giành được thế chủ động. Cá nhân tôi nghĩ một đội cần có 3 người như vậy, 2 người còn lại cũng cần có kỹ năng tốt phù hợp với vị trí (đội hình Samsung Blue với Dade).
Để giải thích kỹ hơn, chúng ta có thể nhìn lại đội hình của Moscow 5 ở giai đoạn Mùa 2-4. Người chơi được ưu tiên trong đội là Alex Ich. Với phương châm “thấy là giết”, mỗi lần Alex thấy đối phương, anh sẽ ngay lập tức cố gắng hạ gục họ và đồng đội sẽ đi theo phụ trợ anh. Ngược lại, người đồng đội Darien giành lợi thế nhờ đẩy lẻ. Mặc dù gây ra khá nhiều áp lực, anh lại không được quan tâm nhiều và nhận được rất ít hỗ trợ từ đồng đội, dẫn đến lối chơi “feed để thắng” của người chơi này.
Mặc dù người đi rừng và hỗ trợ có lượng farm hạn chế và hiếm khi bị gây áp lực, sự quan tâm có thể khiến những vị trí phụ trợ này có khả năng trở thành chủ lực. Trên thực tế, nhờ vào những lượt chọn tướng hợp lý và khả năng mở giao tranh, nhiều người đi rừng chính là nhân tố dẫn dắt trận đấu.
Theo Ryan Tang/Goldper10
(Còn tiếp…)
No comments:
Post a Comment