Thursday, October 27, 2016

Tại sao lượng tướng sử dụng tại Chung Kết Thế Giới lại ít như vậy?

Đó là câu hỏi tôi nhận được khá nhiều trong thời gian gần đây. Và như các bạn cũng đã biết, Chung Kết Thế Giới năm nay đã đi được một quãng đường khá dài và nhiều kịch tính. 72 trận đấu của các đội tham gia đã mang tới cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hồi hộp, hưng phấn cho đến thất vọng, buồn chán. Tuy nhiên hãy gác lại những cảm xúc đó và nhìn lại cũng như tìm hiểu, so sánh một chút về lượng tướng đã xuất hiện tại mùa Chung Kết Thế Giới lần này nhé.

Ở mùa giải lần này , không tính IvernYorick thì chúng ta sẽ có tổng 131 vị tướng được đem ra thi đấu, tuy nhiên, lượng tướng mà các tuyển thủ đem ra sử dụng tính cho tới hết trận Bán Kết thì chỉ vỏn vẹn 55 vị tướng. Thế còn những chỉ số này ở các mùa trước ra sao? Bảng thông số dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn cụ thể nhất.

Mùa Lượng tướng tranh chấp Tổng lượng tướng có thể sử dụng Tỉ lệ tranh chấp
1 46 76 61%
2 59 102 58%
3 69 115 60%
4 61 120 51%
5 74 126 59%
6 56 131 43%

Lượng tướng tranh chấp tại các mùa Chung Kết Thế Giới

Vậy nhìn vào bảng số liệu này, bạn thấy điều gì. Đúng thế, lượng tướng được tranh chấp/ sử dụng tại mùa 2016 lần này ít hơn hẳn so với các mùa giải trước. Mặc dù chúng ta còn 1 cặp series bo5 căng thẳng giữa SKT và SSG vào sáng Chủ Nhật tới, thế nhưng, chắc chắn rằng con số này cũng sẽ không thay đổi quá nhiều so với thời điểm hiện tại. Lý do vì sao lượng tướng lại ít như vậy, hãy cùng tìm hiểu với Liên Minh 360 nhé.

Các bản cập nhật mang tính chí mạng

Có rất nhiều người chơi/ xem Liên Minh không để ý tới rằng, việc đa dạng tướng phụ thuộc vào những bản cập nhật, đó là chưa kể bản cập nhật lớn. Ở giải Chung Kết Thế Giới mùa 2015 năm ngoái, các tuyển thủ của chúng ta thi đấu trong bản 5.18 và trước đó chỉ 2 bản thôi – 5.16, chính là bản cập nhật lớn trong năm. Và bạn có nhớ bản 5.16 này là gì không? Đó chính là bản cập nhật vai trò đầu tiên mà Riot đưa ra – và vai trò đó chính Dũng Sĩ.

juggernaut

Dũng Sĩ – vai trò đầu tiên mà Riot tiến hành cập nhật

Khỏi phải nói, ảnh hưởng của bản cập nhật này cực kì lớn, nó thay đổi hoàn toàn meta thời điểm bấy giờ. Khu vực đường trên thì Darius liên tục thống trị, đồng thời, sự xuất hiện của Gangplank tại sự kiện Thủy Triều Rực Lửa cũng là điểm nhấn tại mùa giải đó, cũng tại mùa giải này, Riot đã cho chúng ta thấy được thế nào là Dũng Sĩ đường dưới. Mordekaiser đã khiến cho các đội tuyển phải liên tục tranh chấp mình, và dĩ nhiên mỗi khi hở lựa chọn này ra, những tuyển thủ nhanh chóng lấy luôn cho mình.

nguyenthanhlan-24e6

Mordekaiser trong tay Wildturlte với chỉ 1 gõ đã tiễn Kalista của Imp về chầu trời

Tại Chung Kết Thế Giới mùa này cũng vậy. Trước khi giải đấu lớn nhất trong năm diễn ra, Riot đã tung ra một bản cập nhật “lớn” khiến cho các đội tuyển phải nhanh chóng thay đổi chiến thuật cũng như cách đánh của mình cho phù hợp. Các thay đổi này khiến cho những huấn luyện viên và cả tuyển thủ phải đau đầu. Họ buộc phải tập lại những chiến thuật của mình, tập lại những vị tướng khác để phục vụ những thay đổi mới này bởi đổi đường đã HOÀN TOÀN biến mất.

riot-nhung-thay-doi-ve-tru-va-su-bien-mat-cua-chien-thuat-doi-duong-03

Vậy bây giờ cơ bản là thay vì “Chọn 1 trong 2, cặp đôi đường dưới khỏe hơn hoặc đổi đường nhanh hơn” thành “thắng đường dưới hoặc ăn hành” Ok. Đa dạng ra phết

Huấn luyện viên của ROCCAT Fabian “GrabbZ” Lohmann không hài lòng về những thay đổi của Riot. riot-nhung-thay-doi-ve-tru-va-su-bien-mat-cua-chien-thuat-doi-duong-04

Những thay đổi theo kế hoạch về đường dưới này của Riot thật là tệ. Họ còn không thèm để tâm những vấn đề căn bản -.-

Huấn luyện viên “Kubz” của Complexity cũng có quan điểm tương tự. Tuy nhiên, Riot cũng có những mục đích riêng của mình trong những thay đổi nàyScarizard chia sẻ như sau:

“Như các bạn đã biết, chúng ta đang tới khá gần với Chung Kết Thế Giới, và chúng tôi đã quyết định đưa ra một vài thay đổi mang tính cách mạng tại đấu trường chuyên nghiệp. Một trong các thay đổi mà chúng tôi đưa ra là để hạn chế lại meta đảo đường ở những bản cập nhật trước.

Đổi đường là một chiến thuật rất khó để có thể thi triển tốt, nó đòi hỏi bạn phải có những bước di chuyển tốt để trao đổi những mục tiêu quan trọng. Thế nhưng theo thời gian, các đội tuyển đã tìm ra được cách để khai thác nó một cách hiệu quả và dĩ nhiên, chiến thuật này xuất hiện thường xuyên hơn. Nó dẫn tới những pha trao đổi trụ quá bị động và các cuộc trao đổi, xung đột trực tiếp ở đầu trận trở nên ít hơn bao giờ hết. Khi đổi đường trở thành thứ gì đó mặc định, nó tạo ra một giai đoạn đầu trận nhàm chán và chậm chạp cũng như không hề có tương tác giữa các người chơi. Điều đó đã khiến chúng tôi phải đưa ra những thay đổi trong bản cập nhật tới.

Ở cấp độ cao, chúng tôi đã thêm vào những yếu tố khiến cho những pha đổi đường trở nên liều lĩnh hơn. Mục tiêu của chúng tôi không phải là loại bỏ chiến thuật này khỏi trò chơi, mà là buộc nó phải đưa ra những lựa chọn khắc nghiệt khác để trao đổi thành công.”

minion

“Hết đổi đường rồi anh em eii!”

Đó là lý do thứ nhất khiến cho lượng tướng được sử dụng giảm mạnh tại mùa giải lần này. Khi mà chiến thuật đổi đường đã không còn, các tuyển thủ sẽ tập trung vào giai đoạn đi đường và sẽ ưu tiên chọn cho mình những con bài khỏe cũng như ổn định trong giai đoạn này thay vì việc chọn một con bài để phục vụ chiến thuật đa dạng, rồi sau đó tiến hành đổi đường để kéo dài thời gian tạo lợi thế cho con bài đó.

Kĩ năng cá nhân lên tiếng và những con bài có khả năng tạo đột biến xuất hiện

Sẽ không khó để bạn bắt gặp những Nidalee, Syndra, hay Jhin tại những khung cấm/chọn cũng như các trận đấu tại Chung Kết Thế Giới lần này. Đó đều là những vị tướng đòi hỏi kĩ năng người chơi rất cao để phát huy tối đa hiệu quả, nhất là ở các trận đấu yêu cầu trình độ, khả năng tư duy cao như vậy. Và như đã nói ở trên, việc loại bỏ đi tính chiến thuật ở đầu trận đấu do những chỉnh sửa đã khiến cho những tuyển thủ buộc phải tập luyện cũng như cải thiện kĩ năng cá nhân của mình.

jhin highnoon

Nghệ Sĩ Tử Thần đang đắt show tại Chung Kết Thế Giới lần này

Đi đường sẽ khó hơn, và những pha trao đổi, giao tranh sẽ nổ ra nhiều hơn. Đó là lý do tại sao bạn thấy rất nhiều những con bài như Jayce, Alistar, hay Lee Sin xuất hiện thay vì những con bài dị mang tính chiến thuật. Những vị tướng này đều có khả năng tạo đột biến cực cao và sức mạnh ổn định ở gần như mọi giai đoạn của trận đấu. Đúng, khi nói rằng Kennen và Rumble đang rất khỏe ở khu vực đường trên, nhưng mỗi khi có Jayce xuất hiện, thì mọi thứ lại hoàn toàn khác.

Cũng tương tự như Lee Sin và Alistar vậy, đều là các tướng có khả năng tạo đột biến với những pha mở giao tranh nguy hiểm lên toàn bộ đội hình đối phương, nhưng để tạo được đột biến, kĩ năng cá nhân của bạn phải tốt. Không nghiễm nhiên mà GorillA hay các hỗ trợ hàng đầu thế giới lại tin dùng Quái Vật Đầu Bò này, và tỉ lệ thắng của nó cũng đang khá cao – 65%, hay Lee Sin với 70% trong tay người Hàn.

nguyenthanhlan-24e6

C9 Meteos với pha Nộ Long Cước tuyệt đẹp, mang về chiến thắng cho Cloud 9

Đó là lý do thứ hai khiến cho lượng tướng được sử dụng giảm mạnh tại mùa giải lần này. Ưu tiên nhiều hơn vào giai đoạn đi đường sẽ buộc các tuyển thủ phải chọn những con bài tạo đột biến để phục vụ cho giai đoạn nửa sau của trận đấu. Không còn những lựa chọn chiến thuật thì kĩ năng cá nhân và tướng tạo đột biến sẽ là 2 thứ khiến cho các đội tuyển phải lưu tâm.

Các đội tuyển quá lo chạy theo meta của Hàn Quốc

Nghe thì có vẻ hơi lố lịch, bởi Hàn Quốc luôn là nơi sản sinh ra các tài năng cũng như chiến thuật, con bài dị của Liên Minh Huyền Thoại, thế nhưng, điều này lại là một thứ không hay đang xảy ra trong mùa giải Chung Kết Thế Giới lần này… và ở cả một vài lần trước đây. Các đội tuyển, người chơi ở những khu vực khác đang quá lo việc bị “tụt lại” so với Hàn Quốc, mà không hề nhận ra rằng họ phải tự tìm ra cho mình một meta thì mới có thể thích nghi và tạo đột biến tại trường quốc tế.

Ngay từ những mùa Chung Kết Thế Giới trước và thậm chí ở cả lần này, điều đó đã được chứng minh rõ ràng. Ai dám khẳng định rằng Lee Sin trong tay Revolta của INTZ không hiệu quả, không tạo đột biến? và ai dám nói rằng Brand của Likkrit từ ANX lại không khó chịu cũng như siêu mạnh giai đoạn giữa – cuối trận? Nhìn nhé, Jayce của người Hàn đã được đem ra sử dụng tới 7 lần và tỉ lệ thắng lên tới 85.7% nhưng còn Bắc Mỹ thì sao? Cả Darshan, Hauntzer, và Impact đều sử dụng nó nhưng đều thua cả.

albus_cktg2016_likkrit

Các khu vực cần phải tự tạo meta cho mình để có được tính bất ngờ cho bản thân

Đó là lý do thứ ba khiến cho lượng tướng được sử dụng giảm mạnh tại mùa giải lần này. Các đội tuyển quá lo việc bị tụt lại, và họ nhìn vào Hàn Quốc như một chiếc phao cứu sinh giữa biển rộng mênh mông, tìm mọi cách bấu víu để thấy được những con bài, chiến thuật, meta cho bản thân mà không hề biết rằng đó lại là con dao hai lưỡi. Khi mà họ sử dụng con bài, chiến thuật Hàn Quốc để đánh lại chính người Hàn, thì dĩ nhiên, họ sẽ dễ dàng bị đánh bại.

Kết

Chưa biết trong series bo5 tới giữa SKT và SSG còn bao nhiêu con bài lạ, dị xuất hiện, nhưng tới thời điểm hiện tại chỉ với 55 tướng được đem ra sử dụng thì chắc chắn đây là một mùa giải Chung Kết Thế Giới có lượng tướng được sử dụng ít nhất. Các thay đổi của Riot đưa ra mục đích là để cho người xem quan tâm hơn vào những pha trao đổi từ sớm hơn là việc chạy quanh bản đồ mà không tương tác gì với nhau. Nhưng ai biết được, khi mà độ ổn định quan trọng hơn sự đa dạng tướng, thì đó cũng là thứ nhiều người xem mong muốn thì sao?

No comments:

Post a Comment