Wednesday, October 31, 2018

Nhìn nhận về thất bại của C9 ở Bán kết CKTG: Có phải là một cái kết hụt hẫng?

Một trận thua chóng vánh – nhưng không bất ngờ

Hai trận bán kết của CKTG 2018 vậy là đều đã khép lại với cùng tỉ số 3-0, qua đó xác định được hai đại diện tiến vào Chung kết của CKTG 2018 là Fnatic và Invictius Gaming. Trong cuộc “derby LCS“, Châu Âu đã là khu vực giành chiến thắng với kết quả thuyết phục trước đại diện duy nhất còn lại của Bắc Mỹ sau Vòng Bảng-Cloud9. Nhìn nhận về thất bại này, bên cạnh sự chênh lệch về kĩ năng cá nhân giữa tương quan từng vị trí, C9 đồng thời đã có những bước đi sai lệch.

Sự bảo thủ trong chiến thuật

31723133078_b779584424_z

Repeared là một HLV giỏi, nhưng có lẽ lúc này vẫn là chưa đủ

Không sai thì không cần phải sửa”, bài xưa sách cũ đã dạy, cứ thế mà dùng. Nhưng trong thể thao điện tử đỉnh cao, không có gì là bất biến – ở đây, không sai thì vẫn phải sửa! Nhưng, C9 thì không sửa, họ sử dụng một chiến thuật cố hữu, và thất bại. Như đã nêu trên, sự chênh lệch về kĩ năng giữa các tuyển thủ so với FNC rõ ràng là có, nhưng C9 rõ ràng có nhiều cách để ứng phó hơn là kiên trì với một chiến thuật không hề hiệu quả, và tiếp tục cố gắng áp dụng nó lên cả 3 ván đấu của mình. Thích nghi, thay đổi để tiếp tục tiến lên chính là xu thế chiến thuật của CKTG năm nay, khi mà những đội tuyển “lệch sóng” đều có cho mình những kết quả bất ngờ! Đó là Vitality với một Ekko trong tay Daniele “Jiizuke” di Mauro gõ vỡ đầu Gen.G, chính là một Heimerdinger trong tay xạ thủ đường dưới Petter “Hjarnan” Freyschuss đả bại ứng cử viên vô địch Flash Wolves, và cũng chính là C9 với một Lissandra đường trên “lật cái kèo” chóng vánh trong trận đấu ở Vòng khởi động. Nhưng, đáng tiếc là họ không tiếp tục hành trình “vẽ đường” ấy, C9 đã mỏi, và C9 bất lực.

Ban Pick

Từ ván 1 qua ván 3, C9 đều lựa chọn Ekko-Lissandra cũng như cấm đi Jax

Trong 3 ván đấu của mình, C9 kiên trì sử dụng đi sử dụng lại những lựa chọn mà biết chắc sẽ tự mang lại bất lợi cho mình. Một Ekko gặp nhiều thua thiệt trước Viktor trong ván đấu đầu tiên, tiếp tục được Eric “Licorice” Ritchie sử dụng trong khi một đường giữa tương đối “lệch pha” là Lissandra trong tay Nicolaj “Jensen” Jensen cũng tiếp tục được duy trì xuyên suốt cả 3 ván đấu! Họ luôn cấm đi Jax, thậm chí là khi đối phương đều đã khoá vào đường trên hay đi rừng và một Viktor đang rất huỷ diệt trong tay Gabriël “Bwipo” Rau thì lúc nào cũng được thả ra. Nhìn nhận sâu hơn về lựa chọn Lissandra đường giữa, đây là lựa chọn có lượng CC lớn, phù hợp với khả năng làm nền trong giao tranh và gây rối loạn đội hình đối thủ, tạo nền tảng cho những vị trí chủ lực có thể tạo ra lượng sát thương lớn. Nhưng Lissandra lại là pháp sư có tầm sát thương, khống chế rất ngắn, cần chủ động lao vào đồng thời trở nên vô hiệu sau khi sử dụng xong bộ kĩ năng của mình do tương đối mỏng manh. FNC có câu trả lời cực kỳ đơn giản: một đội hình có khả năng gây sát thương lớn từ tầm trung-xa hơn so với C9 cũng như khả năng có khả năng cò quay lâu dài. Và C9 vẫn tiếp tục kiên định với lựa chọn Lissandra của họ trong cả 3 ván đấu, không thắng, cũng không thay, C9 ôm bài đến chết”. 

Trẻ chưa đủ bản lĩnh, già chưa đủ già dơ

Licorice

Là tuyển thủ có kĩ năng tốt, nhưng Licorice sẽ còn phải cải thiện trong bản lĩnh thi đấu của mình

Nhiều nhận định cho rằng, C9 thậm chí đã tự mang trận thua tới cho họ. Nhìn vào liên tiếp những tình huống hạ gục đầu trận trong trận Bán kết vừa qua, thật khó để phủ định nhận định trên. Đó là một Zachary “Sneaky” Scuderi di chuyển hớ hênh tự dâng cho Martin “Rekkles” Larsson trong một pha trao đổi chiêu thức tưởng như đơn giản tại đường ở ván 3, là một Nicolaj “Jensen” Jensen luống cuống trong xử lý tự dâng tặng Chiến công đầu cho Rasmus “Caps” Winther dù đã mất đi cả Tốc biến hay một tình huống phối hợp thiếu triệt để giữa Eric “Licorice” Ritchie và Dennis “Svenskeren” Johnsen ngay đầu ván 1 mà C9 sau đó đã phải trả cái giá rất đắt khi mất đi 2 hiểm hạ gục mà không thu về bất kì lợi thế nào. Tự lựa chọn cho mình đội hình cửa dưới, tự bảo thủ duy trì chất tướng thua thiệt ở các đường, nhưng cũng lại tự chủ động thi đấu bất cẩn, C9 thiếu một định hướng rõ ràng trong lối đi và một cách triển khai hoàn thiện khi mà phong cách thi đấu của các thành viên còn quá nhiều sai sót.

Họ chưa có một người thủ lĩnh thực thụ

c9_hai

C9.Hai chính là hiện thân của một “thủ lĩnh thực sự”, điều mà C9 của hiện tại đang trống vắng

Nếu như chiến thuật hay những lựa chọn trước trận đấu thuộc về trách nhiệm của HLV, thì trong trận đấu, chỉ có 5 tuyển thủ và cũng chỉ có họ mà thôi. Mỗi đoàn tàu vững mạnh đều cần một đầu tàu vững chắc, C9 hiện tại chưa thể tìm thấy đầu tàu xứng đáng cho mình. C9 đã từng là đội tuyển có người thủ lĩnh gốc Việt làm nên tên tuổi: Hai, khả năng kêu gọi giao tranh và di chuyển toàn bản đồ của anh chính là nền tảng để tạo nên lối đánh giao tranh chủ động và đẹp mắt của C9 thời ấy. Bên cạnh đó, Hai với vai trò thủ lĩnh còn đóng vai trò duy trì tâm lý thi đấu ổn định cho đồng đội, mà hơn ai hết, Nicolaj “Jensen” Jensen là tuyển thủ đã nhận được rất nhiều những sự giúp đỡ từ Hai “Hai” Du Lam thời còn là cái tên Incarnation. Lúc này, việc C9 không còn người thủ lĩnh nhưng vẫn duy trì lối đánh giao tranh vô hình tự đẩy họ vào những giao tranh khiên cưỡng, mà mỗi lần giao tranh nổ ra giống như C9 tự đặt vận mệnh của mình vào lượt quay xúc sắc. Tứ là tử, Nhất là ăn, trận Bán kết vừa qua, gần như giao tranh nào họ cũng “Tử”. 

Jensen

Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc để Jensen tiếp bước trở thành người thủ lĩnh tiếp theo của đội tuyển

Không chỉ đóng vai trò chủ động kêu gọi giao tranh, người thủ lĩnh chính là tuyển thủ đưa ra những quyết định có khả năng thay đổi cục diện ván đấu. Sẽ không có tình huống Eric “Licorice” Ritchie cố gắng có thêm một vài chỉ số lính rồi đánh mất toàn bộ lợi thếhay việc C9 quá cố gắng băng trụ dù đã có lời trong pha giao tranh Baron quyết định ở ván 3 để rồi bị tận diệt. Tristan “Zeyzal” Stidam là một hỗ trợ với khả năng giao tranh tốt, nhưng không phải hỗ trợ có khả năng kiểm soát tốt. C9 coi nhẹ Macro, nhưng họ lại không tìm thấy giải pháp để triển khai chiến thuật của mình một cách triệt để, bản nhạc hay không có người nhạc trưởng tài tình, chỉ còn là những nốt trầm đầy luyến tiếc.

Hành trình thần kì của “mây và gió” đã khép lại

C9

CKTG này, Cloud9 lại “có mặt” như mọi khi, nhưng họ được kì vọng tới đâu khi giải đấu khởi tranh?

Nếu như đã theo dõi C9 từ lâu, hay đơn giản là thường xuyên theo dõi các kì CKTG, chắc hẳn cái tên Cloud9 là thứ không hề xa lạ với bạn. Liên tục góp mặt trong 6 kì CKTG, C9 luôn mang một sức hút bí ẩn cho người hâm mộ quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Nếu như những người yêu thích LMHT trên toàn cầu đã bị ấn tượng sâu đậm với lối đánh máu lửa trong những ngày đầu của C9 – điều hiếm khi xuất hiện ở các giải đấu LCS thời điểm đó; thì người hâm mộ Việt Nam cũng có lí do để cổ vũ cho các chàng trai C9 khi có tới 2 tuyển thủ gốc Việt trong đội hình của đội tuyển này. “Cực kỳ say mê, hấp dẫn và kịch tích trong cách di chuyển và giao tranh”, người hâm mộ nói về C9 của những ngày đầu. “À, và luôn có phép để vượt qua mọi khó khăn và góp mặt tại CKTG nữa!”, hầu như năm nào cũng cực kỳ khó khăn trong Vòng loại khu vực, nhưng C9 vẫn lâu rồi chưa phải ngồi nhà xem CKTG.

C9

Giấc mơ nào cũng có điểm dừng, lần này C9 vẫn chưa thể chạm tới tầng mây thứ 9

Bước vào giải đấu cùng nhiều những đánh giá không mấy khả quan từ giới chuyên môn cũng như người hâm mộ, C9 góp mặt tại CKTG là điều đương nhiên, nhưng rồi bị các đại diện Hàn Quốc hay Trung Quốcvả sấp mặt” cũng là điều không còn xa lạ, bởi gần như năm nào cũng thế, C9 lẹt đẹt từ Vòng bảng tới Tứ kết rồi lại dừng chân mà chưa thể một lần vươn xa. Nhưng, thực ra các tuyển thủ C9 đâu còn lạ gì với chê bai, sự đánh giá thấp và việc bị xem là đội tuyển cửa dưới tại CKTG trong suốt những năm qua. Từ những lời chỉ trích châm chọc gián tiếp của các BLV quốc tế từ những năm 2015  cho tới việc C9 chỉ có cho mình 2 tuyển thủ “tiếng tăm” là Zachary “Sneaky” Scuderi và Nicolaj “Jensen” Jensen cùng 2 tuyển thủ Academy đôn lên, lựa chọn trước giờ vốn được xem là sân sau chăn gà của LCS. Nhưng, họ đi xa, đi rất xa tại CKTG lần này!

C9 fan

“Trỗi dậy!” – C9 đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ tại kì CKTG vừa qua

Nhìn nhận về màn trình diễn của C9 tại CKTG vừa qua, sẽ là bất công nếu không dành cho họ những lời khen ngợi nồng nhiệt nhất. Họ thi đấu sòng phẳng trong bảng đấu của mình, vượt qua Gen.G hay AFS, những đại diện Hàn Quốc một cách thuyết phục. Lần đầu tiên góp mặt tại Bán kết CKTG, cũng là cái gì đó để tôn vinh đấy chứ! Bên cạnh đó, màn trình diễn của C9 thậm chí còn mang theo những ý nghĩa quan trọng hơn, cho cả khu vực. Lực lượng Academy từ lâu của LCS vẫn chưa được đánh giá cao, khi mà ý tưởng “Học thành tài” có vẻ vẫn còn xa lạ, yếu tố thiên bẩm dường như vẫn được xem là nhân tố quyết định thì C9 với hai thành viên từ đội tuyển Academy của mình đã cho thấy một niềm hi vọng tươi sáng về tương lai của một thế hệ tuyển thủ trẻ, tương lai khi mà sự cần cù và chăm chỉ hoàn toàn có thể tạo nên thành công. Đồng thời, đây cũng là sự khích lệ mạnh mẽ cho khu vực Bắc Mỹ nói riêng và LCS nói riêng, bước đệm cho một tương lai với những giải đấu quốc tế đầy gay cấn. “Bởi khi ai cũng là ông kẹ. Không ai là ông kẹ cả.” – Windyboy.

Kết – Niềm hi vọng tiếp theo của LCS?

FNC và C9 fan

Hi vọng của LCS lúc này sẽ được đặt lên vai… FNC

Sau trận Bán kết ấn tượng, FNC với chiến thắng thuyết phục đã là đại diện cuối cùng góp mặt tại Chung kết của CKTG, điều đã rất lâu người hâm mộ không còn được chứng kiến, mang theo niềm hi vọng của cả cộng đồng LCS. Còn với C9, thất bại vừa qua chắc chắn là bài học đáng giá cho họ, đồng thời là niềm động lực để C9 có thể nỗ lực mạnh mẽ hơn trong tương lai và tiếp tục phát triển những bước đi đúng đắn mà họ đã và đang thu được thành quả. Còn lúc này, tất cả đều đang hướng về trận Chung kết sắp tới, sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới đây, hãy tiếp tục theo dõi và ủng hộ cho cả 2 đại diện LCS kể trên và đừng quên theo dõi trận Chung kết “Chia đôi thế giới”.

fan

Bên cạnh đó, các bạn nghĩ như thế nào về màn trình diễn của C9 ở Bán kết vừa qua? Liệu còn nguyên nhân nào mà mình bỏ sót hay nhận định nào của mình còn chưa thực sự hợp lý, đừng ngại để lại bình luận phía bên dưới và nêu ra quan điểm của bản thân nhé!

valentine-divider

Toàn bộ các trận đấu của CKTG sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng của VETV tại NimoTV và Youtube. Các bạn nhớ chú ý đón xem và cổ vũ đội tuyển mà mình yêu thích!

No comments:

Post a Comment