Saturday, September 26, 2015

Braum – Trái Tim của Freljord ở vị trí Hỗ Trợ: Bức tường kiên cố

Dù trải qua không ít đợt giảm sức mạnh, Braum vẫn luôn là lựa chọn ổn định ở vị trí Hỗ Trợ kể từ khi ra mắt, bất chấp metagame có thiên biến vạn hóa ra sao. Có những giai đoạn Braum không được tin dùng nhiều, vì thời điểm đó có những vị tướng làm tốt hơn Trái Tim của Freljord khi đặt vào một chiến thuật cụ thể, cũng giống như Dr. Mundo (đường trên), Lee Sin (đi rừng), Orianna (đường giữa) hay Caitlyn (xạ thủ) vậy. Tuy nhiên, metagame thời điểm hiện tại chính là lúc Braum tỏa sáng.

braum-fanart-1

Bộ kỹ năng “bình thường nhưng không tầm thường”

Khác với hầu hết tướng Hỗ Trợ, bộ chiêu thức của Braum có thể nói là “dễ chơi dễ trúng thưởng” hơn rất nhiều. Không hoa mỹ như Thresh, không lả lướt uyển chuyển như Janna, sự hiệu quả là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn Trái Tim của Freljord.

Nội tại Đánh Ngất Ngư theo đánh giá của người viết, là một trong những nội tại mạnh nhất trong game. Hiệu ứng làm choáng (1.75 giây ở cấp độ 13) luôn hữu dụng trong giao tranh, đặc biệt khi có sự trợ giúp từ đồng đội. Đây cũng là chìa khóa quan trọng trong giai đoạn đi đường bởi sát thương cộng thêm từ nội tại này là khá đáng kể ở đầu trận. Ngoài ra, với Đánh Ngất Ngư, Braum và đồng đội có lợi thế rất lớn trong những cuộc giao tranh từ cấp độ 1 nếu xảy ra.

Tuyết Tê Tái (Q) là kỹ năng gây sát thương chính của Braum. Dù chỉ là tướng Hỗ Trợ nhưng sự kết hợp của Tuyết Tê Tái với nội tại Đánh Ngất Ngư có thể khiến kẻ địch phải giật mình với lượng sát thương cộng thêm theo phần trăm máu tối đa của Braum và hiệu ứng khống chế rất khó chịu. Ưu điểm khác của kỹ năng này là năng lượng tiêu hao thấp, Braum có thể liên tục rỉa máu khi đi đường mà không cần quá nhiều bình năng lượng hồi phục.

Tối Kiên Cường (E) chính là chiêu thức làm nên thương hiệu của Braum. Về cơ bản nó biến Braum trở thành một  bức tường di động, dù không hoàn toàn chặn hết mọi kỹ năng có projectiles (hiểu nôm na là những kỹ năng có đường đạn), nhưng việc Braum có thể di chuyển (thậm chí là nhanh hơn 10%) khiến chiêu thức này rất lợi hại, đặc biệt khi đội đối phương có khả năng cấu rỉa mạnh.

braum-shield

Khả năng che chắn của Trái Tim Freljord được tăng cường nhờ kỹ năng Nấp Sau Ta (W). Lượng giáp và kháng phép cộng thêm khá hữu dụng vì Braum phải lấy thân mình ra đỡ đòn cho đồng đội. Chiêu thức này cũng là phương tiện giúp Braum rút ngắn khoảng cách, chủ động mở giao tranh với Băng Địa Chấn (R). Khả năng hất tung và làm chậm diện rộng của chiêu cuối đặc biệt hiệu quả trong các địa hình hẹp.

Sức mạnh đáng sợ trong giao tranh

Tại sao Braum luôn là lựa chọn có thể sử dụng ở bất kỳ chiến thuật hay metagame nào? Bởi vì chiến thuật nào, metagame nào cũng cần phải có giao tranh, và Braum sinh ra là để giao tranh. Từ giao tranh nhỏ đến lớn, Trái Tim của Freljord đều rất đáng sợ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chủ động hay bị ép giao tranh, Braum đều có thể phát huy tối đa khả năng của mình.

Pha mở giao tranh tuyệt vời của aphromoo

Thiên hướng giao tranh của các đội tuyển chuyên nghiệp thường là tập trung hạ gục một mục tiêu sớm nhất có thể để biến giao tranh thành lợi thế hơn người. Điều này là sở trường của Braum với nội tại làm choáng nhanh chóng, Băng Địa Chấn chia cắt mục tiêu, Tối Kiên Cường ngăn cản sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nếu đồng đội sở hữu những chiêu cuối diện rộng như Mưa Tên Lửa (Rumble), Lệnh Sóng Âm (Orianna) hay Đại Địa Chấn (Jarvan IV), Băng Địa Chấn có thể giữ chân đối phương đủ lâu để những chiêu thức trên phát huy hiệu quả.

Wombo Combo!

Trong trường hợp bị ép giao tranh trước, Tối Kiên Cường đủ sức chặn rất nhiều sát thương từ đối phương, câu thời gian cho đồng đội sẵn sàng phản công. Nội tại và Băng Địa Chấn cũng giúp ngăn cản những tướng lao vào rất tốt. Nếu chẳng may đội bị thất thế, Braum vẫn có thể giúp đồng đội lui về an toàn. Đây đồng thời là cách mà Braum bảo vệ Xạ Thủ của mình trong giao tranh.

Những hạn chế

Braum không có khả năng hồi phục cho xạ thủ của mình khi đi đường (ngoài trang bị Khiên Cổ Vật), đồng nghĩa với việc sẽ gặp khó khăn khi đối phương là những tướng cấu rỉa liên tục và rút lui an toàn (Caitlyn/Lucian – Karma/Janna/Morgana). Tuyết Tê Tái là nguồn sát thương chính của Braum trong giai đoạn này, vì vậy những xạ thủ cơ động như Kalista, Ezreal – vốn có thể né kỹ năng này dễ dàng, cũng khiến Trái Tim của Freljord khó lòng chủ động trao đổi chiêu thức.

Tối Kiên Cường có thời gian hồi chiêu khá lớn ở những cấp độ đầu (18/16/14/12/10 giây) trong khi tồn tại lại ngắn (3/3.25/3.5/3.75/4 giây), vì vậy các giao tranh ở đầu và giữa trận cần phải rất cẩn thận. Khi không có Tối Kiên Cường, Braum cũng chẳng cứng cáp gì cho cam, lại còn là tướng Hỗ Trợ. Chiêu thức này cũng chỉ đỡ được hoàn toàn sát thương của đòn đánh đầu tiên, sau đó là giảm một phần sát thương, vì vậy nếu không rút ra đúng thời điểm, Braum có thể bị “bốc hơi” rất nhanh.

Dragonslayer-Braum

Tổng kết lại, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, metagame thời điểm này là thiên đường đối với Braum. Sự xuất hiện của nhiều tướng chịu đòn cứng cáp và các giao tranh kéo dài là điều kiện hoàn hảo để Braum tỏa sáng. Những bức tường vững chắc luôn tồn tại mãi mãi, và tại CKTG 2015 sắp tới, “Bức Tường” Braum sẽ chỉ mang lại vinh quang cho những đội tuyển biết cách phát huy sức mạnh của Trái Tim Freljord.

 

No comments:

Post a Comment