Từ trước đến nay, Hàn Quốc vẫn luôn được coi là mảnh đất màu mỡ tạo nên những thiên tài của làng Liên Minh Huyền Thoại thế giới. Sự thống trị của họ đã được lịch sử chứng minh một cách vô cùng thuyết phục. Từ khi các đội tuyển tới từ xứ kim chi bắt đầu đặt những dấu ấn đầu tiên của mình vào sân chơi Chung Kết Thế Giới, hầu như mọi đối thủ đều phải dành cho họ 7 phần kính 3 phần nể. Tưởng như cán cân sức mạnh sẽ tiếp tục nghiêng về mảnh đất Đông Bắc Á này thì bỗng nhiên làn sóng xuất khẩu tuyển thủ của chính đất nước này lại khiến cho Liên Minh Huyền Thoại thế giới 1 phen dậy sóng.
Đối với nhiều người thì xu hướng này giống như 1 căn bệnh “chảy máu chất xám” vậy. Nhưng nếu như nhìn toàn cục, thì không những LCK vẫn giữ nguyên được hình thái nguyên thủy của mình, mà hầu như mọi khu vực khác cũng được hưởng không ít lợi nhuận từ xu hướng này.
Những người tiên phong
Khi nhắc đến làn sóng “di cư” của những tuyển thủ Hàn Quốc, có lẽ những cái tên đầu tiên khiến chúng ta nhớ đến chính là KaKAO, inSec và Rookie. Cả 3 cái tên này đều khiến cho người hâm mộ họ không thể nào quên được những màn trình diễn kỹ năng cá nhân xuất sắc. Những video tiêu điểm về họ ngập tràn trên các kênh mạng xã hội nổi tiếng thế giới. Thế nhưng, mấy ai ngờ rằng tài hoa là thế, nổi tiếng là thế nhưng mức lương họ được chi trả so với những người đồng nghiệp ở các khu vực khác là thua kém khá nhiều. Nếu như tại thời điểm 2014, thần đồng Misaya của Trung Quốc sở hữu tổng thu nhập lên đến 1 triệu đô-la Mỹ/năm, thì mức lương của các tuyển thủ Hàn Quốc thật chẳng đáng là bao.
Misaya từng là tuyển thủ có thu nhập cao hàng đầu trong số các người chơi chuyên nghiệp
Chính vì thế, ngay sau khi chứng kiến inSec xuất khẩu sang Trung Quốc và thi đấu khá thành công trong màu áo Star-horn Royal Club tại Chung Kết Thế Giới thì 2 người đồng đội cũ của anh là KaKAO và Rookie cũng quyết định”đổi màu áo đấu”. Nếu như các bạn cho rằng xu hướng di cư này chỉ phù hợp với những cá nhân không tìm được vinh quang tại mái nhà cũ, thì minh chứng về Dandy và imp sẽ làm bạn phải suy nghĩ lại. Bởi ngay sau khi giành về chiếc cúp vô địch thế giới, không chỉ riêng 2 người này mà tất cả anh em nhà Samsung đều tìm đến cho mình những bến đỗ mới. Nguyên nhân chính thức là cả 10 thành viên đều không chấp thuận ký vào bản hợp đồng tiếp theo. Nhưng ẩn sâu bên trong đó lại nằm ở lời chia sẻ mà Dandy từng phát biểu trong 1 cuộc phỏng vấn.
“Nếu 1 công ty không thể cung cấp cho tuyển thủ điều mà họ muốn, thì chắc chắn họ sẽ tìm đến những đối tác khác. Đó chính là cách mà thế giới này đang hoạt động.” – Dandy.
Bên cạnh vấn đề nhạy cảm về tài chính, vẫn còn đó những lý do khác khiến cho các siêu sao người Hàn mong muốn xuất ngoại. Bởi họ đã quá mệt mỏi với chế độ luyện tập hà khắc, cộng với môi trường thi đấu đầy rẫy chông gai. Họ muốn tìm cho mình 1 giải đấu, nơi không có quá nhiều áp lực. Nói như vậy không phải là vì họ ngại khó, ngại khổ. Mà đơn giản là vì ẩn sâu trong tiềm thức mỗi 1 ngôi sao, họ luôn khát khao được bùng cháy trên sân khấu vĩ đại nhất – Vòng Chung Kết Thế Giới. Điều này tuyệt đối chính xác với những thành viên cũ của KT Rolster như KaKAO, Rookie, inSec. Nếu như có cơ hội được chứng kiến KT từng phung phí những cơ hội của mình như thế nào, chắc chắn bạn sẽ có thể thông cảm cho quyết định của 3 cái tên này. Họ ra đi, để lại đằng sau quá khứ oai hùng nhưng lắm bi ai. Nhưng là để hướng tới 1 tương lai tươi sáng hơn, nơi cả thế giới phải biết đến họ như những người sẵn sàng bước ra biển lớn.
Tuy vậy, không phải bất cứ tuyển thủ Hàn Quốc xuất ngoại nào cũng chỉ mong muốn 2 điều đó. Bởi trong số họ còn có những người vượt đại dương vì mong muốn được chinh phục những thử thách mới. Có thể kể đến đầu tiên chính là 2 cái tên của đội hình SKT T1 vô địch mùa 3 trước kia: Piglet & Impact. Họ chính là những mảnh ghép không thể thiếu của 1 nhà vô địch thế giới. Tuy nhiên sự sa sút phong độ khiến cho họ không còn là chính mình tại môi trường thi đấu quen thuộc. Chính vì thế, việc đến với LCS Bắc Mỹ không chỉ là 1 cách thức họ làm mới bản thân, mà còn nhanh chóng đưa họ đến với những thử thách mới. Điều này rất giống với trường hợp của KaKAO tại Invictus Gaming. Bởi giai đoạn nhiều người biết đến anh nhất chính là lúc anh liên tục tỏa sáng để gồng gánh những người đồng đội của mình tại KT Rolster Bullets. Nhưng giờ đây, tại giây phút anh lần đầu tiên góp mặt tại Chung Kết Thế Giới, người hâm mộ lại ghi nhận sự hy sinh của anh trong đội hình iG khi thường xuyên thi đấu những vị tướng chịu đòn.
Ngoài những cái tên trên đây, chúng ta hẳn vẫn chẳng thể nào quên những Ryu, Lustboy, Huni hay Reignover… Bởi chính họ là đại diện cho 1 xu hướng mới của Liên Minh Huyền Thoại toàn thế giới.
Từng đánh mất cái tôi tại giải quốc nội, Ryu có vẻ như đang tương đối thành công trong màu áo mới
Liều thuốc bổ cho sự cân bằng
Xét trên phương diện các giải quốc nội như LCK, LPL hay LCS thì chúng ta rất dễ dàng để có thể nhận thấy chính những nhân tố Hàn Quốc đã đem đến 1 luồng gió mới mẻ cho các khu vực mà họ di cư đến. Điển hình là tại LPL và LCS Bắc Mỹ. Nếu như trước đây khu vực Trung Quốc vẫn nổi tiếng với lối đánh chậm mà chắc thì bây giờ họ dường như đã lột xác hoàn toàn. Giờ đây, chúng ta thường xuyên được chứng kiến 1 LGD di chuyển thông minh, kiểm soát mục tiêu lớn thông qua chính việc đẩy đường. Họ cho thấy 1 tư duy chiến thuật vô cùng khoa học. Những chuyển biến này có thể được đánh giá là nhờ có sự xuất sắc của Pyl – người chơi hỗ trợ LGD, nhưng nếu như không có những tuyển thủ mang trong mình tiền lực lớn như imp hay Acorn thì chắc sẽ còn lâu nữa LGD mới có thể hiện thực hóa ước mơ của mình.
Tầm quan trọng của những tuyển thủ Hàn Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều nếu như chúng ta nhìn sang Edward Gaming. Cựu vương LPL Mùa Xuân dường như đặt toàn bộ số phận vào trong tay cặp đôi Deft và PawN. Mùa xuân, chỉ có sự tỏa sáng rực rỡ của cặp đôi này mới có thể đưa EDG đến với chức vô địch. Mùa hè, lại chỉ có cặp song sát này mới đủ khả năng cứu rỗi con đường đến với Chung Kết Thế Giới của EDG.
Nếu như sự xuất hiện của những người Hàn có thể “hô biến” hình ảnh của cả 1 giải đấu như LPL, thì việc họ hồi sinh 1 thế lực tại châu Âu như Fnatic là hoàn toàn khả dĩ. Hồi tưởng lại giai đoạn cuối năm 2014, tưởng như FNC sẽ chẳng thể nào gượng dậy được sau khi lần lượt những trụ cột của họ quyết định dứt áo ra đi. Thế nhưng ngay cả những người hâm mộ lạc quan nhất cũng chẳng thể nào ngờ được rằng việc nhập về 2 tuyển thủ trẻ người Hàn lại có thể đem đến nhiều vinh quang đến vậy. Huni, Reignover – 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong đội hình FNC từ mùa xuân cho đến mùa hè. Bên cạnh người đội trưởng YellOwStaR đóng vai trò như chất kết dính thì chính 2 tuyển thủ Hàn Quốc này đã không ít lần tỏa sáng đưa cả tập thể đến với vinh quang tối thượng. Chính họ là cơ sở khiến cho FNC có thể giành được 2 chức vô địch LCS Châu Âu liên tiếp, và ngẩng cao đầu sau khi trở về từ MSI 2015. Thật không ngoa khi người hâm mộ FNC đặt cho Huni danh hiệu “Best Rookie of EU” (tân binh xuất sắc nhất châu Âu). Bởi ngoài anh ra, chẳng có bất cứ ai trong đội tuyển xứng đáng với trách nhiệm trở thành linh hồn dẫn dắt lối chơi.
Sân khấu của những tuyển thủ Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở châu Âu cũng như Trung Quốc mà nó còn vươn tới tận Bắc Mỹ xa xôi. Giống với những người đồng hương của mình, Lustboy cũng khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của mình khi khoác áo TSM. Mặc dù mùa hè này đội của anh đánh mất chiếc cup vô địch vào tay CLG, nhưng với những gì mà anh đóng góp trong chức vô địch LCS Mùa Xuân và IEM Katowice, thì đã đủ để cho thấy sự xuất hiện của anh đã thay da đổi thịt cho TSM như thế nào.
Có thể thấy, từ châu Âu, châu Á cho đến châu Mỹ, các cái tên Hàn Quốc đều dẫn đầu trong danh sách những người chơi xuất sắc nhất tại vị trí của mình. Điều này là 1 tín hiệu vô cùng đáng mừng với Liên Minh Huyền Thoại thế giới, nhất là khi vòng Chung Kết Thế Giới đã đến gần. Bởi ngoài bất ngờ mang tên TPA hồi mùa 2 ra thì liên tục những năm sau đó, chiếc cup vô địch cứ liên tục tìm đường về Hàn Quốc. Và với sự chuyển biến mà xu hướng “di cư” của những tuyển thủ Hàn Quốc mang lại, thì có vẻ như chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Điển hình là việc chúng ta sẽ hiếm thấy những trận đấu chênh lệch quá nhiều về mặt trình độ cũng như chiều sâu chiến thuật như những gì đã diễn ra trong mùa 2013, 2014.
Sẽ thật khó để chứng kiến những trận đấu chênh lệch như thế này tại Chung Kết Thế Giới năm nay
Chính những thay đổi về mặt nhân sự đã dẫn đến những bước tiến rất lớn trong phương diện lối chơi và chiến thuật. Điều này đã từng được thể hiện rất rõ ràng trong trận đấu giữa FNC và SKT T1 tại khuôn khổ giải đấu MSI diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.
Cơ hội được chứng kiến những trận nhiều cảm xúc như thế này sẽ rất cao
Lời kết
Cục diện vòng Chung Kết Thế Giới đã và đang xoay chuyển 1 cách chóng mặt. Sức mạnh của những đội tuyển bước ra từ LCK vẫn là hết sức đáng gờm. Tuy nhiên, việc những tuyển thủ xứ kim chi lần lượt “chuyển hộ khẩu” sang các giải đấu khác đã khiến cho cán cân sức mạnh Liên Minh Huyền Thoại thế giới trở nên cân bằng nhất so với từ trước đến nay.
Giờ đây, cơ hội được chứng kiến sức mạnh của người Hàn đến từ cả các đội tuyển châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc. Phải chăng chính sự xuất hiện của họ đã kéo gần lại khoảng cách về tính chuyên nghiệp giữa các khu vực. Quan trọng hơn cả, điều này sẽ khiến cho Chung Kết Thế Giới năm nay càng trở nên đáng mong chờ hơn.
Các trận đấu của Chung kết thế giới mùa 2015 sẽ được Vietnam Esports TV tường thuật trực tiếp với phần bình luận tiếng Việt tại địa chỉ: http://vetv.vn/
Liên Minh 360 sẽ đồng hành cùng giải đấu Chung kết thế giới mùa 2015. Hãy nhớ chú ý theo dõi để nhận những tin tức mới nhất và hấp dẫn nhất nhé các bạn!
No comments:
Post a Comment