Giống như Rek’Sai, Kalista được ra mắt vào thời điểm tiền mùa giải 2015, khi những thay đổi lớn về metagame được gấp rút hoàn thiện. Có cảm giác như điều đó đã ảnh hưởng phần nào đến sự thích nghi nhanh chóng của cả hai vị tướng. Nếu như Rek’Sai độc bá khu rừng trong suốt khoảng thời gian đã qua của mùa giải, thì Kalista gần như không có đối thủ xứng tầm ở đường dưới, đặc biệt trong tay những game thủ xứ kim chi.
Bộ kỹ năng hoàn hảo đối với một xạ thủ
Tại sao lại hoàn hảo? Bởi vì Kalista sở hữu gần như mọi yếu tố cần có đối với một vị tướng sát thương vật lí chủ lực, điều rất hiếm gặp trong một tựa game đề cao sự cân bằng.
Nội tại Phong Thái Quân Nhân mang lại cho Kalista sự cơ động đến khó tin trong giao tranh. Tiếp cận một vị tướng cứ liên tục “nhảy nhót” như vậy thật chẳng dễ dàng gì, đặc biệt là những tướng chịu đòn “lù đù” như Sejuani, Gragas, Sion. Các kỹ năng khống chế định hướng cũng không thể làm khó được một người chơi thuần thục Kalista.
Janna chỉ cần đi theo… tạo khiên, còn lại cứ để Sneaky lo
Vậy khi không có mục tiêu để tấn công, sự cơ động của Kalista từ đâu mà ra? Câu trả lời nằm ở Đâm Xuyên (Q). Kỹ năng này có rất nhiều tác dụng: cấu máu, kết liễu từ xa, băng qua những địa hình mỏng, hoặc cũng có thể… nhất kích tất sát như trong clip bên dưới.
Hồn Ma Do Thám (W) là một chiêu thức kiểm soát tầm nhìn khá tốt. Số lượng hồn ma lớn “đi tuần” liên tục cộng với những con mắt sẽ phong tỏa các lối đi, đảm bảo an toàn cho Kalista khi đi đường. Nội tại của kỹ năng này gây ra một lượng sát thương phép theo phần trăm máu tối đa của đối phương, rất lợi hại khi trao đổi chiêu thức giai đoạn đầu và giao tranh giai đoạn cuối trận (12% máu tối đa của mục tiêu ở cấp độ đầu, 20% khi nâng tối đa).
Sát thương của Kalista nằm 90% ở kỹ năng Dày Vò (E). Khi có được trang bị Cuồng Cung Runaan, Kalista có thể gây ra hàng tấn sát thương trong giao tranh, đủ sức phá tan cả những bức tường vững chắc nhất. Kỹ năng này còn có một tác dụng rất quan trọng khác: kiểm soát các mục tiêu lớn. Với số lượng mũi giáo vô hạn, Dày Vò hoàn toàn có thể đóng vai trò là phép Trừng Phạt thứ hai của đội, khiến cho việc chiếm Rồng, Baron trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Gragas và Alistar đều rất cứng cáp, nhưng chẳng là gì với Kalista của Rekkles
Chiêu cuối Định Mệnh Vẫy Gọi (R) là một công cụ mở giao tranh rất tuyệt vời, đặc biệt khi vị trí Hỗ Trợ là những tướng cần khả năng áp sát (Alistar, Braum, Thresh, Nautilus…). Kalista cũng có thể cứu đồng đội nếu lỡ lao vào quá sâu, tránh được sát thương từ thiêu đốt hay thậm chí là Khúc Cầu Hồn (R – Karthus). Chiêu thức này có nhiều cách kết hợp độc đáo thú vị, rất hữu dụng trong một số trường hợp.
“Bắt cóc” đối phương…
… hoặc chạy trốn.
Thích nghi với sự đa dạng chiến thuật
Với bộ kỹ năng đa dụng, Kalista hoàn toàn phù hợp với nhiều lối chơi và chiến thuật khác nhau. Độ cơ động cao và khả năng rỉa máu độc đáo (ghim giáo vào tướng địch và lính, sau đó dùng Dày Vò vừa kết liễu lính vừa rỉa máu đối phương mà chiêu thức được hồi lại ngay lập tức) biến Kalista trở thành một kẻ “ăn hiếp” đường rất mạnh. Khi đạt cấp độ 6, Mũi Giáo Phục Hận và người hỗ trợ đủ sức hạ gục đối phương nếu dùng chiêu cuối chính xác.
Đổi đường cũng là một cách giúp Kalista nhanh chóng đạt được ngưỡng sức mạnh của mình. Khi có được 2-3 trang bị vào giữa trận, Kalista có thể nhảy liên tục, gây ra một lượng sát thương rất lớn trong giao tranh mà đối phương lại không thể làm gì để ngăn cản. Về cuối trận, với lối lên hai trang bị hút máu, Kalista vẫn giữ nguyên được sức mạnh của mình.
Chiến thuật bảo vệ Xạ Thủ cũng rất thích hợp với Kalista. Lượng máu, khiên và tốc độ di chuyển có được từ Lulu, Orianna hay Janna khiến Kalista trở nên rất khó chết. Và khi đã mua bảo hiểm, khó có gì ngăn cản được Xạ Thủ xông thẳng lên bắn nát đội hình đối phương, đặc biệt lại là vị tướng cơ động như Kalista.
JasonTN/glencanlas – deviantart
Những hạn chế
Khác với Lucian, Graves, Corki hay Tristana, sự cơ động của Kalista sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu bị làm chậm, vốn là hiệu ứng khống chế phổ biến nhất trong game. Khả năng “nhảy nhót” của vị tướng này cũng không thể thoát khỏi Thủy Lôi Tầm Nhiệt (R – Nautilus), Tả Xung Hữu Đột (R – Vi), Bụi Cây Quỷ Dị (W – Maokai) hay bất cứ chiêu thức chọn mục tiêu nào khác, vì vậy những sự lựa chọn này có thể khắc chế Kalista rất tốt.
Sát thương đầu ra của Kalista có một vấn đề, đó là quá phụ thuộc vào Dày Vò (E). Nếu tính toán không chính xác, Mũi Giáo Phục Hận sẽ thiếu hụt sát thương rất nghiêm trọng. Ngoài ra với lối lên trang bị thường không có chí mạng, Kalista không có được sự đột biến như các vị trí Xạ Thủ khác. Đấu tay đôi vào giai đoạn sau của trận đấu cũng không phải là sở trường của Kalista.
Còn một đặc điểm nữa mà đối phương có thể khai thác ở Kalista, đó là Hồn Ma Do Thám không “thông minh” cho lắm. Nếu khéo léo một chút, việc luồn lách qua tầm kiểm soát của chiêu thức này không quá khó. Hồn Ma cũng cho tới 10 tiền, gần bằng một con lính. Không tệ phải không?
Bengi rất tỉnh và đẹp trai…
Nhìn một cách tổng thể, hiếm có một vị tướng Xạ Thủ nào đa năng như Kalista. Sát thương, độ cơ động cao, kỹ năng khống chế diện rộng ổn, mở giao tranh tốt, kiểm soát tầm nhìn và mục tiêu lớn hiệu quả, hỗ trợ đồng đội khi cần. Trong một metagame đa dạng chiến thuật như hiện nay, các đội tuyển rất ưa chuộng những vị tướng như vậy, đặc biệt là người Hàn Quốc. Tỉ lệ Cấm và Chọn 100% của Xạ Thủ “trước sau như một” này tại giải đấu LCK mùa hè 2015 đã chứng minh điều đó. Và hãy cùng chờ xem, Kalista sẽ tỏa sáng trên sân khấu CKTG 2015 như thế nào nhé.
Hai xạ thủ hàng đầu Bắc Mỹ chứng minh rằng không chỉ có người Hàn Quốc biết sử dụng Kalista.
No comments:
Post a Comment