Hoài niệm về ROX Tigers (Kì 1): Chúng ta chỉ là cỏ dại
Hoài niệm về ROX Tigers (Kì 2): Vượt qua giông bão
Vết vuốt hổ trên bức tường sừng sững
Đối thủ của KOO Tigers trong trận chung kết CKTG 2015 không phải cái tên nào xa lạ: SKT T1. Faker và đồng đội đang có một giải đấu không thể cản phá theo đúng nghĩa đen khi họ chưa từng để thua một game đấu nào trước trận chung kết. Đó là một kì tích mà kể cả Samsung White năm trước và chính SKT T1 năm trước nữa cũng không thể nào so sánh được. SKT ở CKTG 2015 như một cỗ máy được vận hành chính xác đến mức hoàn hảo, khi thậm chí còn không để mất một trụ trong nào trước trận bán kết với Origen.
Và không có một câu chuyện cổ tích nào hết. KOO Tigers đơn giản là không đủ mạnh để tước lấy chiếc cúp vô địch của SKT. Nhưng họ cũng để lại một dấu ấn mạnh mẽ khi đang ở thế ‘bức hổ khiêu tường’. Loài hổ là vậy, khi ở thế chân tường, có thể bộc phát ra một thứ sức mạnh điên cuồng. Ở game đấu thứ 3, lúc bảng tỉ số đang là 2-0 trước sự áp đảo hoàn toàn của SKT, KOO Tigers đã lựa chọn một đội hình ‘được ăn cả, ngã về không’ với 5 vị tướng chỉ tập trung vào việc bắt lẻ đơn mục tiêu: Fiora – Lee Sin – Kassadin – Ashe – Thresh.
Một canh bạc tất tay với đội hình này
Với đội hình này, trong suốt thời gian của trận đấu, KOO Tigers đã khiến mọi người nhớ lại họ là một đội tuyển nhiệt huyết đến nhường nào; một đội tuyển luôn chủ động tấn công, tấn công và tấn công. Họ khiến khán giả nhận ra rằng bên cạnh SKT chính xác tuyệt đối đến lạnh lùng, những trận đấu LMHT chuyên nghiệp ở đẳng cấp cao nhất vẫn có thể cống hiến, thú vị với nhịp độ nhanh đến nghẹt thở. Đặc biệt là Hojin, anh đã thi đấu như lên đồng với Lee Sin, như thể ‘hồi quang phản chiếu’, tỏa sáng mãnh liệt trong lần cuối cùng được kề vai sát cánh cùng những người đồng đội tuyệt vời bên cạnh.
Trận đấu này, trận mà Lee Sin của Hojin kết thúc với KDA 7/1/18, là dấu vết khiếm khuyết duy nhất trên bức tường sừng sững của SKT dựng lên ở CKTG 2015.
Lời chia tay chói sáng của Hojin!
Muốn “mãi là anh em”, hay muốn mạnh lên?
“Thật dễ dàng để nói đội tuyển của mình là một tập thể bạn bè gắn bó, khi đội vẫn còn liên tiếp giành những chiến thắng…”
– IWillDominate (!?), khi nói về Cloud9
Ngay sau CKTG 2015, Hojin đã tuyên bố giải nghệ, và KOO Tigers cũng chia tay với người đi rừng dự bị là Wisdom. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tìm được một người đi rừng mới trước khi các giải đấu chính thức khởi tranh. Lẽ ra với vị thế của đương kim á quân CKTG, họ phải có rất nhiều lựa chọn chất lượng muốn thi đấu cho đội. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản chút nào, vì KOO Tigers không phải là đội tuyển chỉ nghĩ đến các danh hiệu, họ phải tìm được một người bạn thực sự hòa hợp với đội, về cả lối chơi lẫn lối suy nghĩ.
Câu nói trên kia tưởng như nghiệt ngã, nhưng lại không sai chút nào, đặc biệt ở môi trường chuyên nghiệp. Nếu mọi thứ vẫn vận hành trôi chảy, đội vẫn chiến thắng đều đều thì không khí trong đội sẽ rất vui vẻ. Tuy nhiên, không có gì là kéo dài mãi mãi, sẽ đến lúc một (hoặc vài) thành viên trong đội sa sút phong độ, và hậu quả là những trận thua. Ban đầu các thành viên còn có thể bỏ qua cho nhau, nhưng rồi sẽ xảy ra những cãi vã, rồi đổ lỗi và kết cục tất yếu là đường ai nấy đi. Những câu nói “mãi là anh em” chẳng bao giờ kéo dài mãi mãi.
Dù gắn bó đến mấy, rồi cũng đến lúc không còn chung vai sát cánh…
Vậy nên, có rất nhiều đội tuyển được tạo nên ban đầu từ những người bạn chơi cùng nhau, nhưng rồi họ đều sẽ phải đứng trước ngã rẽ: hoặc là gắn bó với nhau nếu chỉ tham gia cho vui, không quan trọng danh hiệu; hoặc là phải loại bỏ dần những thành viên yếu kém, để vươn đến đỉnh cao. Chỉ một trong hai.
Nhưng các thành viên của KOO Tigers lại muốn cả hai. Họ vừa muốn giữ không khí vui vẻ thoải mái giữa những người anh em thân thiết, vừa muốn tiếp tục vươn lấy những đỉnh cao. Có lẽ nhiều người cũng đặt câu hỏi rằng sau màn thể hiện ở CKTG 2015, chắc chắn cả 5 thành viên trong đội đều đã nhận được những lời chiêu mộ sặc mùi ‘kim tiền’ đến từ những đại gia Trung Quốc hay Bắc Mĩ, tại sao họ vẫn quyết tâm gắn bó với nhau trong cảnh khốn khó? Xin được dùng câu khẩu hiệu của KurO trước thềm LCK mùa xuân 2016 để trả lời thắc mắc này cho mọi người: “We are No. 2, so we try harder.”
Khi những người đàn ông đồng cam cộng khổ sát cánh hướng tới đỉnh cao, thì những khó khăn tủn mủn về mặt vật chất nào có sá gì?
“Vì chỉ là số 2, nên chúng tôi vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.”
Hạt đậu thần bừng nở
Tua lại vài tháng trước đó, ở giải LCK mùa xuân 2015, trong trận đấu với đối thủ cực mạnh SKT, Najin e-mFire đã quyết định thử nghiệm một bộ đôi đi rừng – đường giữa mới thay thế cho Watch & Ggoong là Peanut & Rain (sau này đổi tên thành TANK). Không thể nói đó là một màn ‘debut’ hoàn hảo khi Najin thua 1-2, nhưng bộ đôi này, đặc biệt là người đi rừng Peanut đã truyền một luồng sinh khí mới cho Najin với lối chơi hổ báo có phần hơi ‘trẻ trâu’ của mình, khác hẳn với một Watch đã chậm chạp và thiếu ý tưởng.
Bản thân người viết đã phải thốt lên trầm trồ ở một tình huống ở game đấu thứ 3, khi Peanut muốn thực hiện một pha ‘InSec’ với Lee Sin vào Maokai của đối phương. Mọi thứ đều giống như trong ‘sách giáo khoa’, nhưng thay vì cắm một con mắt ra sau đối phương để dùng Hộ Thể vào và đá ngược kẻ địch về thì Peanut cắm tận… 2 con mắt ở 2 hướng khác nhau, để chọn hướng đá phù hợp với đồng đội đăng băng lên nhất. “Phản ứng quá khủng khiếp!” tôi thầm nghĩ trong đầu, và kể từ đó khắc ghi cái tên người đi rừng trẻ tuổi này. Tiếc thay, Peanut không được Najin trọng dụng, và chủ yếu ngồi trên ghế dự bị cho Watch suốt mùa giải 2015. Và rồi anh rời đội khi kết thúc mùa giải.
Đã từng là người của Najin, nhưng không được trong dụng, và sau đó rời đội… Ơ, kịch bản này nghe quen quen?
Điều gì phải đến cũng đã đến, Peanut cũng gia nhập vào đội ngũ ‘người thừa’ của Najin, và nhanh chóng hòa nhập bởi tính cách vui vẻ dễ mến cùng nụ cười ‘cute lạc lối’ trong mọi trận đấu. Cứ như thể anh chính là một mảnh ghép thất lạc của những chú hổ vậy. Khởi đầu từ LCK mùa xuân 2016, mọi thứ còn ủng hộ người đi rừng trẻ tuổi này hơn nữa khi meta đi rừng chuyển dịch sang các tướng có khả năng gánh đội, đặc biệt là các xạ thủ đi rừng (Graves, Kindred…). Peanut thi đấu vô cùng hổ báo và quyết đoán, và hình ảnh một bầy hổ chỉ biết tấn công mãn nhãn đã trở lại. Kết thúc vòng bảng LCK mùa xuân 2016, ROX Tigers dẫn đầu tuyệt đối với 16 trận thắng và 2 thất bại, cả 5 thành viên của đội đều đứng đầu về hiệu số KDA ở cả 5 vị trí.
Điều gì phải đến rồi cũng đến, những người yêu nhau rồi cũng sẽ tìm được nhau
Trong câu truyện cổ tích “Jack và hạt đậu thần”, cậu bé Jack đã đổi một con bò lấy một hạt đậu. Mẹ cậu đã mắng nhiếc và ném hạt đậu ra vườn, không biết rằng chỉ hôm sau, hạt đậu thần đã nảy mầm thành một cây đậu vươn tới tận trời xanh. Với ‘hạt đậu thần’ Peanut, bầy hổ lại một lần nữa sục sôi ý chí vươn đến trời xanh.
Một lần nữa, họ lại đụng độ SKT trong một trận chung kết, đó là LCK mùa xuân 2016.
(còn tiếp…)
No comments:
Post a Comment