Đã có quá nhiều thay đổi kế từ năm 2011, bản đồ Summoner ‘s Rift cũng đã được chỉnh sửa và làm gọn gàng hơn rất nhiều. Giải đấu CKTG năm 2015 cũng đã không còn là hệ thống mạng LAN cũ kĩ mà thay vào đó các bảng đấu được trải dài từ Paris, London, Brussels đến Berlin.
Fnatic là nhà vô địch đầu tiên và duy nhất của phương Tây tại CKTG vào mùa 2011 trước khi người châu Á hoàn toàn thống trị nó. Một đội tuyển đến từ Đài Loan, Taipei Assassins đã khiến mọi người phải kinh ngạc vào năm 2012. Và rồi sau đó, người Hàn Quốc xây dựng một chỗ đứng vững chắc trên đỉnh vinh quang. SKT T1 K giành chức vô địch thuyết phục vào năm 2013 trước khi Samsung White hủy diệt tất cả một năm sau đó. Nhưng lần này, năm 2015, lần đầu tiên người Hàn Quốc không được đánh giá cao tại CKTG.
Trung Quốc đang trở thành một khu vực siêu cường nhờ cuộc đại di cư của game thủ Hàn Quốc đã từ bỏ lòng trung thành để tới nơi có thu nhập cao nhất thế giới. Nếu nói tới lòng trung thành, chỉ có thể nhắc tới người đi đường giữa nổi tiếng nhât thế giới Lee “Faker” Sang-hyeok – người đã bác bỏ bản hợp đồng lên tới 1.000.000$ từ các đại gia Trung Quốc. Các chiến lược thu hút nhân tài của Trung Quốc có vẻ như đã thành công khi Edward Gaming được dẫn dắt bởi nhà vô địch thế giới Heo “PawN” Won-seok và huyền thoại đương đại của Trung Quốc Ming “Clearlove” Kai, đánh bại đội tuyển được yêu thích nhất thế giới SKT T1 3 – 2 tại chung kết Mid-Season Invitational 2015.
Trung Quốc không phải là khu vực duy nhất đã nâng tầm bản thân để có thể trở thành đối trọng của người Hàn. Châu Âu cũng có những đại diện cực mạnh khác như nhà vô địch tuyệt đối Fnatic với thành tích 18 – 0 tại LCS. Tại MSI, Fnatic cũng khiến SKT T1 phải trải nghiệm đầy đủ một trận bo5 đúng nghĩa. Và cũng không thể không kể tới Origen với các nhà cựu vô địch xPeke, Soaz.
“Với tư một fanboy cuồng nhiệt của Châu Âu, tôi nghĩ rằng mình có thể tuyên bố với các Caster khác và người hâm mộ rằng Fnatic là niềm hy vọng của Châu Âu.” Caster và phân tích viên LCS EU Martin “Deficio” Lynge nhớ lại. “Fnatic là đội tuyển đã có thành tích 18 – 0 tại LCS EU và đem lại niềm tin rằng châu Âu sẽ lật đổ Hàn Quốc. Đây chắc chắn sẽ là năm của Châu Âu.”
Cán cân của LMHT thế giới sẽ thay đổi? Trung Quốc với đà chiến thắng từ MSI sẽ đưa mình vào lịch sử? Hay Fnatic với đội hình được coi là mạnh nhất trong lịch sử cùng lợi thế hàng vạn cổ động viên nhà sẽ một lần nữa nâng cao chức vô địch. Đừng quên đại diện mạnh nhất của Bắc Mỹ CLG với sự đầu tư và lời hứa ít nhất lọt vào vòng Bán Kết.
Trung Quốc thảm bại
Ít ai có thể tin được rằng các đại diện Trung Quốc có thể trình diễn một bộ mặt thảm hại đến thế tại CKTG. Tất cả mọi sự dự đoán và kì vọng của các chuyên gia và người hâm mộ đã trở nên vô nghĩa sau giai đoạn vòng bảng.
Tin xấu đến với Trung Quốc ngay từ khi giải đấu khởi tranh. Trong ngày đầu tiên, trận đấu đầu tiên của CKTG, Invictus Gaming đã bị Fnatic vượt trội ngay từ giai đoạn đầu. Quyết định đổi đường đã mang lại cho Hecarim của Seong “Huni” Hoon Heo một lợi thế khủng khiếp ngay từ giai đoạn đi đường. Cùng với đó lợi thế kiểm soát tầm nhìn hoàn hảo đã giúp người đi Đường Trên của Fnatic “Lăn Cầu Tuyết” trong suốt phần còn lại của trận đấu. IG không phải là niềm hy vọng chính của Trung Quốc nhưng cái cách họ Đầu Hàng ngay trong trận đấu đầu tiên của giải thì quả là một nỗi thất vọng to lớn.
Cơn địa chấn thứ 2 diễn ra ngay sau đó và người hâm mộ tại Paris trở nên phấn khích hơn bao giờ hết. Cả Fnatic lẫn Origen đều nhận được sự cổ vũ đặc biệt từ khán giả Pháp khi mỗi đội đều có thành viên bản địa trong đội hình. Mặc dù niềm hy vọng của châu Âu đặt nhiều vào Fnatic nhưng Origen đã chứng minh rằng, họ xứng đáng được coi là một ứng cử viên cho chức vô địch.
“Chiến thắng đó (trước LGD) thực sự rất tuyệt vời vì nếu muốn tiến sâu, bạn phải trải qua những tình thế khó khăn nhất.” xPeke nhớ lại. “Đấy là trận đấu quyết định. Nếu chúng tôi thua, có lẽ những trận đấu sau sẽ rất tệ. Nhưng thực tế là chúng tôi đã thi đấu sòng phẳng trong tất cả các trận đấu, thi đấu chủ động và họ phải phản ứng theo những bước di chuyển của chúng tôi. Đây là trận đấu khởi đầu và nó mang lại cho chúng tôi rất nhiều sự tự tin.”
Sau khi hạt giống số 1 của Trung Quốc tan nát, mọi ánh mắt đều đổ dồn về hạt giống số 2 là EDG khi đội tuyển này tái đấu với SKT T1. Nhưng đáng buồn với EDG, sự biến ảo trong giao tranh đã từng giúp họ chiến thắng SKT tại MSI đã không còn nữa. Trận đấu đầu tiên với SKT, họ để thua với khoảng cách 20k vàng. Trận thứ hai còn tồi tệ hơn khi trận đấu kết thúc sau 23 phút với tỉ số cách biệt 16 – 4. Trong số các đội Trung Quốc thi đấu tại vòng bảng, chỉ có mình EDG tiến vào được vòng loại trực tiếp. Nhưng đó là tất cả những gì họ làm được khi ngay sau đó, EDG tan vỡ 0 – 3 trước Fnatic.
“Chúng tôi đã rất kỳ vọng vào các đội Trung Quốc”, Deficio nói. “Họ đã không thể hiện đúng với các kỳ vọng đó. Qua giải đấu này họ học được một điều rằng trò chơi này là trò chơi tập thể. khả năng giao tiếp, phối hợp mới là tất cả, còn thời của kĩ năng đã qua rồi”. Sự di cư của các game thủ Hàn đến Trung Quốc dẫn tới rào cản ngôn ngữ và hậu quả là các đội thi đấu theo kiểu rất vô trách nhiệm
“Mọi người sẽ nhớ tới sự thảm bại của người Trung Quốc bởi họ đã rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu”, Trevor “Quickshot” Henry nói. “Họ đã vô địch MSI, hạ bệ SKT nhưng có vẻ như đó không phải là đẳng cấp thực sự của họ. Ngoài ra sau hai giai đoạn vòng bảng, khi phải đối mặt với các chiến thuật đổi đường khác nhau có vẻ người Trung Quốc không có bất kì sự tiến bộ nào cả. Đó thực sự là một cú shock lớn. Thậm chí ngay cả các đội Wildcard còn có thể làm tốt hơn Trung Quốc.”
Hy vọng và tan vỡ
Bắc Mỹ bước vào giải đấu CKTG với rất nhiều kỳ vọng. Đại diện lâu đời nhất của họ, Team Solomid là đương kim vô địch IEM Katowice 2015. CLG là đại diện mạnh nhất của khu vực rơi vào bảng đấu tương đối dễ dàng với một đại diện của Wildcard và một đại diện Đài Loan. Hạt giống số 3 của Bắc Mỹ, Cloud 9, bằng một cách thần kì nào đó đến với CKTG với hạng 7 tại giải mùa hè. Và cũng chính đại diện yếu nhất của Bắc Mỹ đã nổ phát súng đầu tiên khi hạ gục đại diện mạnh nhất của Châu Âu Fnatic. Thậm chí, “Boy Kim Cương II” Balls còn có được một pha Pentakills vô cùng ấn tượng.
Những chàng trai áo xanh trắng bất bại trong lượt đi của giai đoạn vòng bảng. Jensen (khi đó có tên là Incarnati0n) với con bài tẩy Veigar là mảnh ghép không thể thiếu trong chiến thuật đẩy trụ của C9. Trong khi đó ở bảng A, CLG thể hiện rất đúng phong độ của mình khi chỉ chịu khuất phục trước KOO Tigers và giành tối đa điểm số trước hai đại diện được đánh giá yếu hơn.
Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ với Bắc Mỹ trong giai đoạn lượt về của vòng bảng. Đó là một tuần thi đấu rất đáng thất vọng với người hâm mộ NA. “Vâng, đấy là khoảnh khắc tồi tệ nhất trong lịch sử CKTG của Bắc Mỹ.” Caster David “Phreak” Turley nói. “Châu Âu làm cho người hâm mộ của họ bùng nổ, còn chúng tôi thì … Không thể tin được bạn có hai ứng viên cho vòng loại trực tiếp và sau đó họ thua trắng tại giai đoạn hai vòng bảng.”
Bạn có thể liên tưởng rằng, tuần đầu tiên của Cloud 9 đã đưa tất cả lên trên mây xanh thì tuần thứ hai quả thực là những tiếng sấm chói tai nhất. “Cloud 9 có rất nhiều điểm yếu kém. Sau tuần đầu tiên, ai cũng nhận ra cách C9 giành chiến thắng, vây hãm và đẩy trụ. Cấm đi Veigar, Tristana và C9 đã không còn cách nào để chiến thắng”, Quickshot nói.
Với CLG, gót Achilles của họ cũng đã lộ ra trong tuần thi đấu thứ hai. “Tôi nghĩ đó là sự ngạo mạn.” Quickshot nhận định. “Một số tuyển thủ CLG đã cho rằng mình giỏi hơn những người cùng bảng và họ đã thi đấu tốt trong tuần một. Sự ngạo mạn thể hiện rõ trong lối chơi của họ. Darshan “Darshan” Upadhyaha còn nói rằng anh ta sẽ vô địch thế giới và CLG là đội tuyển mạnh nhất. Chức vô địch LCS NA mùa hè đã khiến CLG ảo tưởng rằng mình vượt trên tất cả.”
TSM kết thúc bảng tử thần với tỉ số 1 – 5, thành tích chỉ hợn Bangkok Titans và thua cả đại diện của Brazil PaiN Gaming. Không chỉ chia tay CKTG, TSM còn chia tay Dyrus – huyền thoại của LMHT Bắc Mỹ. Giọng run run và nước mắt rơi, Dyrus xin lỗi người hâm mộ vì đã không thể thực hiện kỳ vọng của họ. Giây phút cả Paris gọi tên Dyrus là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất của giải đấu. Kỷ nguyên của TSM đã khép lại và họ sẽ xây dựng lại đội hình xoay quanh Søren “Bjergsen” Bjerg.
Nhà vô địch của những nhà vô địch
Khi mà Đài Loan và Châu Âu đang cạnh tranh quyết liệt thì ở một bảng đấu khác, SKT T1 đang thể hiện sự thống trị tuyệt đối. Trên thực tế đại diện số 1 của Hàn Quốc không thể bị đánh bại. Họ chỉ thua một ván đấu duy nhất trong trận chung kết với KOO Tiger và thậm chí chỉ mất trụ 3 sau khi đã lọt vào tới Bán kết.
Người châu Âu đã hy vọng với lợi thế sân nhà sẽ giúp họ cản được sự thống trị của Hàn Quốc. Việc có tới hai đội tuyển lọt vào tới Bán Kết đã khiến giấc mơ Chung kết càng có thêm hy vọng. Origen có vẻ như đã hạ gục được SKT T1 ở ván đấu đầu tiên nhưng các thành viên SKT đã khéo léo giành lại được trận đấu trong tay các chàng trai châu Âu. Sau đó Origen có vẻ như đã mất hết tinh thần và không có sức kháng cự trong hai ván đấu sau đó.
“Nếu bạn để thua trận đấu, có thể bạn sẽ cảm thấy rất tệ nhưng tinh thần của bạn vẫn sẽ ổn”, xPeke nhớ lại. “Được thôi khi bạn bị hạ gục, chỉ cần chơi chậm lại và mọi thứ sẽ ổn. Nhưng khi đấu với SKT, bạn thấy rằng chúng ta có được những tình huống tấn công tốt đầu trận, chúng ta giao tiếp tốt, chúng ta kiểm soát bản đồ tốt và làm đối thủ kinh ngạc. Và rồi SKT là đội giành thắng lợi. Vậy thì làm cách nào để có thể thắng họ trong các trận đấu tiếp theo.”
KOO Tigers là một đội tuyển mạnh, nhưng lịch sử đã cho thấy họ không thể hiện được nhiều trong các vòng đấu cân não. Dù để thua ván 3 trong trận chung kết nhưng điều này không quá quan trọng bởi chức vô địch là của SKT T1. Faker – Bengi cũng đi vào lịch sử khi là những tuyển thủ đầu tiên hai lần vươn lên đỉnh cao của thế giới. Cái cách SKT lên ngôi vô địch thế giới khiến cho chính những đối thủ của họ phải nể phục và người hâm mộ tại Mercedes-Benz Arena như phát cuồng vì họ. Khoảng cách trình độ giữa các khu vực vẫn chưa được rút ngắn nhưng thật khó để có thể cưỡng lại sức hút của LMHT Hàn Quốc với đại diện tiêu biểu là SKT T1.
No comments:
Post a Comment