Đúng với cái tên gọi của nó, Bảng Bổ Trợ, bổ trợ cho người chơi, gia tăng các chỉ số sát thương vật lí, phép thuật, máu, năng lượng, đa dụng… giúp họ có được lợi thế khi đối đầu với kẻ địch. Tôi thì ngại đếm quá, thôi thì cứ gọi là xấp xỉ 30 điểm bổ trợ nhỏ và 9 điểm then chốt lớn, gói gọn trong 3 bảng bổ trợ Cuồng Bạo, Khéo Léo và Kiên Định.
Mỗi khi bạn lên cấp (ở đây là cấp của tài khoản ấy nhé), bạn sẽ được 1 điểm để tăng vào các điểm bổ trợ tùy thích. Nhưng là một người mới chơi, 1 điểm của bạn nên tăng vào đâu? Dù bạn đọc hướng dẫn nhưng cũng chỉ biết rằng: “Ừ cứ tăng tạm vào đó, nhưng tại sao lại thế nhỉ?” hay “Các Gosu tăng như này, mình tăng kiểu khác thì sao?”… Thì sao à, đọc bài viết dưới đây để rõ hơn nhé.
Ezreal là 1 xạ thủ có thể sử dụng rất nhiều điểm bổ trợ và then chốt khác nhau, bởi lối chơi đa dạng phong phú.
Trước tiên, muốn tăng cho mình một bảng bổ trợ riêng, bạn cần phải hiểu rõ về tác dụng của các bảng bổ trợ trước đã. Có 3 bảng bổ trợ chính bao gồm Cuồng Bạo, Khéo Léo và Kiên Định.
- Cuồng Bạo là bảng bổ trợ theo hướng tấn công, dành cho những vị tướng lấy sát thương làm sức mạnh, hoặc đơn giản bạn là người chơi hổ báo với Soraka Nhiệt Huyết Chiến Đấu, không sao cả.
- Khéo Léo là bảng bổ trợ theo hướng hỗ trợ, hay còn gọi là đa dụng, dành cho rất nhiều vị tướng từ dòng sát thủ như Zed cho tới hỗ trợ như Lulu… Tại sao ư? Đơn giản vì nó là Khéo Léo.
- Kiên Định là bảng bổ trợ theo hướng phòng thủ, dành cho các tướng đỡ đòn, đấu sĩ với lối chơi lấy máu hoặc giáp, kháng phép để chiến đấu. Teemo Quyền Năng Bất Diệt, thú vị phết đấy.
Được rồi, bạn đã hiểu sơ sơ về 3 loại bảng bổ trợ rồi đấy. Hôm nay chúng ta sẽ đi sâu vào bảng bổ trợ đầu tiên có tên gọi là Cuồng Bạo – bảng bổ trợ tấn công.
Đúng với tên gọi và tính chất của nó, mọi điểm bổ trợ trong bảng Cuồng Bạo đều gia tăng sát thương cho người sử dụng.
Hàng 1 chúng ta có Nộ – Ma Thuật.
- Nộ(5): 4% tốc đánh.
- Ma Thuật(5): 2% sát thương từ kỹ năng.
Nộ cho Tốc độ đánh, vì vậy các tướng cần thiết tốc đánh như xạ thủ, đấu sĩ như Fiora, pháp sư như Kayle sẽ phù hợp với nó.
Kayle cũng có thể dùng Ma Thuật nếu bạn chơi theo hướng thuần pháp sư.
Ma Thuật cho 2% sát thương từ kỹ năng. Kỹ năng ở đây bao gồm cả các kỹ năng vật lí lẫn phép thuật đấy nhé, và sát thương đến từ các hiệu ứng trên đòn đánh nữa, hơi khó hiểu, nhưng tóm lại bạn hãy nhớ rằng cứ kỹ năng là sẽ được tăng sát thương. Vì thế các pháp sư hoặc tướng không cần tốc đánh thì sử dụng Ma Thuật là hợp lý rồi.
Hàng 2 chúng ta có Gươm Hai Lưỡi – Nuốt Chửng – Công Kích Yếu Điểm
- Gươm Hai Lưỡi: Gây thêm 3% sát thương, nhận thêm 1,5% sát thương.
- Nuốt Chửng: Hồi lại 20 máu khi tiêu diệt một đơn vị (30 giây hồi chiêu).
- Công Kích Yếu Điểm: Gây sát thương lên tướng địch sẽ khiến chúng nhận thêm 3% sát thương đến từ đồng đội.
Cũng như tên gọi của nó, Gươm Hai Lưỡi rất khó lường. Bạn chỉ nên sử dụng điểm bổ trợ này khi kèo đấu trước mặt mình đơn giản, ví dụ như bạn là 1 tướng tay dài, còn chúng là tướng tay ngắn, hoặc kèo khắc chế…
Ahri có thể hồi phục tốt hơn nếu sử dụng Nuốt Chửng.
Còn nếu không chắc chắn, hãy sử dụng Nuốt Chửng. Chỉ số 20 máu hồi lại ở khoảng cấp độ 1, 2, 3 là con số không hề nhỏ chút nào đâu, tin tôi đi.
Công Kích Yếu Điểm được khá ít người sử dụng, bởi nó không có sát thương cho người sử dụng nó, mà là cho đồng đội của họ. Vì thế nó mang tính chất hỗ trợ nhiều hơn. Điểm bổ trợ này hợp với các tướng đi rừng, khi bạn đi gank sẽ là điều kiện thuận lợi để phát huy tác dụng.
Hàng 3 chúng ta có Hấp Huyết – Tài Năng Thiên Bẩm
- Hấp Huyết(5): 2% hút máu/ hút máu phép
- Tài Năng Thiên Bẩm(5): 10 sát thương vật lí và 15 sức mạnh phép thuật ở cấp 18.
Hút máu và hút máu phép là chỉ số cần thiết cho mọi vị tướng. Bạn có thể sống mà hết năng lượng, nhưng hết máu thì… Hấp Huyết phù hợp cho mọi vị tướng gây sát thương, cả pháp sư lẫn vật lý.
Tài Năng Thiên Bẩm là điểm bổ trợ ưa chuộng cho các xạ thủ.
Các gosu xạ thủ Hàn Quốc đã bỏ 1 viên ngọc tím hút máu để thay thế cho Hấp Huyết, và họ chuyển hết 5 điểm qua Tài Năng Thiên Bẩm, để sát thương ở cấp 18 nhiều hơn mà vẫn có chỉ số hút máu bù lại, rất thú vị phải không? Bên cạnh đó, nếu ở Hàng 2 bạn tăng Nuốt Chửng thì bạn đã có sẵn khả năng hồi phục rồi, vì thế hàng 3 tăng Tài Năng Thiên Bẩm sẽ cân bằng sát thương và hồi phục.
Hàng 4 chúng ta có Thợ Săn Tiền Thưởng – Kẻ Đàn Áp
- Thợ Săn Tiền Thưởng: Hỗ trợ hoặc hạ gục sẽ giúp bạn gây thêm 1% sát thương, tối đa 5%,
- Kẻ Đàn Áp: Gây thêm 2,5% sát thương lên mục tiêu bị khống chế tốc độ di chuyển.
Trong một vài trường hợp như bản đồ ARAM – Vực Gió Hú thì Thợ Săn Tiền Thưởng là điểm bổ trợ thú vị, bởi giao tranh thường xảy ra liên miên, và nếu bạn không có điểm hạ gục thì cũng hỗ trợ, vì thế tích lên con số 5% không hề khó.
“Một vài tướng vừa có khống chế mạnh, khả năng lăn cầu tuyết tốt có thể cân nhắc giữa cả 2, ví dụ như Renekton, Riven”
Kẻ Đàn Áp thì phù hợp với các tướng có sẵn kỹ năng khống chế, như Twisted Fate chẳng hạn, nhưng nó chỉ gây ra tối đa 2,5% sát thương thôi. Nếu bạn tự tin rằng trận này mình có hơn 5 điểm hạ gục + hỗ trợ, thì ngại ngần gì mà không làm Thợ Săn Tiền Thưởng?
Hàng 5 chúng ta có Đập Liên Hồi – Tia Chớp Xuyên Thấu
- Đập Liên Hồi(5): 7% xuyên giáp
- Tia Chớp Xuyên Thấu(5): 7% xuyên kháng phép
Teemo đường trên với Búa Băng, Cuồng Cung có thể sử dụng 1 trong 2 điểm bổ trợ này.
Hàng này thì dễ rồi, tướng nào sát thương vật lí thì dùng xuyên giáp, tướng nào sát thương phép thì dùng xuyên kháng phép. Kayle là 1 tướng lai tạp, vừa gây sát thương phép lẫn vật lí. Tuy nhiên cô ta thường lên các trang bị phép thuật, nên tốt nhất bạn nên sử dụng Tia Chớp Xuyên Thấu.
Tương tự với Kog’Maw, hắn ta lại gây rất nhiều sát thương phép, nhưng trang bị lại dành cho xạ thủ, bạn nên sử dụng Đập Liên Hồi nhé.
Cuối cùng, chúng ta có hàng điểm then chốt Cuồng Huyết Chiến Tướng – Nhiệt Huyết Chiến Đấu – Lửa Tử Thần
- Cuồng Huyết Chiến Tướng: Nhận thêm hút máu tỉ lệ thuận với lượng máu đã mất (tối đa 20%). Các tướng đánh xa và các đòn đánh lên lính sẽ bị giảm hiệu quả.
- Nhiệt Huyết Chiến Đấu: Sử dụng đòn đánh, kỹ năng lên tướng sẽ nhận 1 điểm NHCĐ, cộng dồn tới 8. Ở cấp 1, nó sẽ cho 8 điểm = 8 sát thương vật lí, ở cấp 18 nó sẽ cho 8 điểm = 112 sát thương vật lí, và tất nhiên là chỉ lên tướng bằng các đòn đánh thường thôi.
- Lửa Tử Thần: Đốt cháy mông kẻ địch với các kỹ năng, tỉ lệ thuận với sát thương vật lí cộng thêm và sức mạnh phép thuật, thời gian đốt phụ thuộc vào các loại kỹ năng khác nhau.
Cuồng Huyết Chiến Tướng là điểm bổ trợ vốn dĩ dành cho các đấu sĩ đường trên, thích “một mất một còn” như Olaf, Aatrox… Tuy nhiên giờ nó được khá nhiều xạ thủ sử dụng. Tiện đây tôi cũng xin giải thích lý do.
Cuồng Huyết Chiến Tướng mang lại cho người sử dụng nó một cảm giác an toàn hơn bởi khả năng hồi phục tốt trong mọi giai đoạn trận đấu. Ở giai đoạn đi đường, bạn có thể hồi phục bằng việc tấn công lính, tuy không nhiều nhưng sẽ “tích tiểu thành đại”. Trong các pha giao tranh cũng vậy, bạn sẽ cần phải sống sót để gây sát thương, cho nên hút máu là chỉ số cực kì quan trọng, không cần biết là nó nhiều hay ít.
Đây là lý do mà bạn nên dùng Cuồng Huyết cho xạ thủ đấy.
Ngược lại, với Nhiệt Huyết Chiến Đấu, bạn cần phải tích đủ 8 điểm để gây sát thương. Mặc dù giá trị của nó ngang với 3 thanh kiếm BF lận, nhưng nếu bạn bị dính các hiệu ứng khống chế, hoặc bỏ chạy, điều mà các xạ thủ thường xuyên gặp phải, thì 8 con số sẽ trở thành 0, và bạn có thể phải lên bảng đếm số ngay lập tức. Đó chính là điểm khác biệt giữa Cuồng Huyết Chiến Tướng và Nhiệt Huyết Chiến Đấu.
Nhưng nói thế không có nghĩa Nhiệt Huyết Chiến Đấu vứt đi. Những gì tôi nói ở trên chỉ là yếu điểm của nó mà thôi. Bù lại, sát thương ở giai đoạn cuối trận là cực lớn, đó là thứ mà Cuồng Huyết Chiến Tướng không thể cung cấp cho bạn.
Các xạ thủ có khả năng tích điểm Nhiệt Huyết cực nhanh nhờ tốc độ đánh, đặc biệt là Lucian.
Có vẻ tôi hơi ích kỷ khi chỉ đề cập đến xạ thủ khi nhắc tới Nhiệt Huyết Chiến Đấu nhỉ? Điểm bổ trợ này cho 1 lượng sát thương vật lí cực lớn ở cuối trận, vì thế các đấu sĩ cũng có thể sử dụng nó thoải mái. Nhưng họ phải có tương đối tốc độ đánh để duy trì đấy. Một vài gương mặt có thể đề cập tới như Irelia, Master Yi…
“Nhiệt Huyết Chiến Đấu là điểm then chốt cho cực kì nhiều sát thương vật lí “miễn phí”. Vì thế, nếu đối phương có quá nhiều tướng đỡ đòn, bạn biết mình phải tăng điểm gì rồi đó”
Và cuối cùng chúng ta có Lửa Tử Thần, điểm then chốt “phế” nhất mọi thời đại. Thiệt tình, các hồi ra mắt nó còn chẳng ai thèm đoái hoài đến cơ. Thậm chí xạ thủ như Jhin còn phải thay đổi cơ chế kỹ năng để sử dụng nó thôi đó, và anh ta là tướng vật lí duy nhất tận dụng hiệu quả. Còn pháp sư à, chúng ta có Cassiopeia. Cô nàng này toàn chiêu thức độc tố, nên kèm thêm điểm này quá tuyệt vời luôn còn gì nữa.
“Ngoài Jhin, Cassiopeia, ừ thì Malzahar… thì tốt nhất bạn không nên sử dụng Lửa Tử Thần”
Nhưng 2/132 tướng sử dụng được “hiệu quả”, thì xem ra hơi bị nhiều đấy nhỉ… Bạn bảo rằng các tướng cấu rỉa sử dụng nó hiệu quả mà. Plsss… Jayce? Xerath? Varus? Dùng các điểm then chốt khác còn thú vị hơn. Hay các tướng gây sát thương theo thời gian như Malzahar? Bạn có biết chính vì bị làm lại, nên sát thương của hắn bị giảm sút, và bắt buộc phải chuyển từ Ý Chỉ Thần Sấm > Lửa Tử Thần một cách gượng ép đó. Và tất nhiên là còn rất nhiều lý do khác để tôi “blame” Lửa Tử Thần, nhưng chắc thành 2 bài mất, nên thôi chúng ta dừng lại ở đây.
À à, những gì mà tôi nói về Lửa Tử Thần hình như hơi cực đoan, và cảm thấy có lỗi với mấy ông thích đánh ARAM. Lửa Tử Thần trong bản đồ này khá hữu dụng, bởi bạn chẳng chạy được đi đâu ngoài một đường thẳng, khả năng hồi phục máu thì bị giảm, mấy tên cấu rỉa máu thì là “chúa” rồi, nên nếu bạn thích sử dụng Lửa Tử Thần thì… ARAM chào đón bạn.
No comments:
Post a Comment